Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 24/3/2014 21:1'(GMT+7)

Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại La Haye

Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay Schiphol, Amsterdam. (Ảnh: TTXVN)

Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay Schiphol, Amsterdam. (Ảnh: TTXVN)

Dự kiến, trong 2 ngày tại Hà Lan, Thủ tướng Chính phủ cùng các thành viên chính thức của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ có lịch trình hoạt động rất sôi động, dày đặc, bao gồm 9 hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh, 8 cuộc gặp và làm việc với lãnh đạo cấp cao các nước và 10 hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Hà Lan.

Trước đó, ngày 21/3, các quan chức cấp cao về an ninh hạt nhân đã họp tại La Haye, Hà Lan, nhằm hoàn tất công tác trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân.

Đoàn Việt Nam gồm đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học và Công nghệ do Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoàng Chí Trung làm Trưởng đoàn, đã tham dự Cuộc họp.

Nội dung chính của Cuộc họp là xem xét dự thảo Thông cáo của Hội nghị Thượng đỉnh. Trong thảo luận, các nước bày tỏ sự ủng hộ và nhất trí cao đối với Dự thảo vì cho rằng Dự thảo có nội dung tương đối toàn diện, cân bằng, có các mục tiêu rõ ràng và tập trung, đề ra được những biện pháp cụ thể, đáp ứng được quan tâm và mong đợi của các nước.

Dự thảo cũng đã thể hiện được quyết tâm của các nước trong việc tăng cường an ninh hạt nhân và ngăn ngừa khủng bố hạt nhân. Các quan chức cấp cao đã nhất trí thông qua Dự thảo để trình lên Hội nghị Thượng đỉnh xem xét.

Tại Cuộc họp, các quan chức cấp cao cũng bàn thảo những vấn đề tổ chức, lễ tân và hậu cần của Hội nghị Thượng đỉnh nhằm bảo đảm chuẩn bị tốt nhất cho sự thành công của Hội nghị.

Hôm nay, vào lúc 15 giờ giờ địa phương (tức 21 giờ Việt Nam), Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ ba sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị La Haye, Hà Lan, với sự tham dự của 53 quốc gia và 5 tổ chức quốc tế; trong đó có 40 lãnh đạo cấp cao, bao gồm cả nguyên thủ các cường quốc hạt nhân thế giới.

Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng vì là dịp để các quốc gia khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất trong việc bảo đảm an ninh hạt nhân, chống khủng bố hạt nhân;  đánh giá lại những kết quả đạt được trong việc thực thi các cam kết đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất tại Washington năm 2010 và Hội nghị lần thứ hai tại Seoul năm 2012.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ đề ra những định hướng lớn và các biện pháp cụ thể mà cộng đồng quốc tế cần tiến hành trong thời gian tới nhằm bảo đảm an ninh hạt nhân trên phạm vi toàn cầu./.

(TTXVN)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất