Các nội dung được thống nhất tại hội nghị lần này rất chú trọng việc
thực hiện các khuôn khổ của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt khi đây là
hội nghị diễn ra lần đầu tiên sau khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN
(AEC) vào tháng 12/2015.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 là một chuỗi hoạt động đi
kèm cùng với Hội nghị cấp cao của ASEAN được tổ chức tại Vientiane dưới
sự chủ trì của Lào, Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2016.
Các nội dung được thống nhất tại hội nghị lần này rất chú trọng việc
thực hiện các khuôn khổ của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt khi đây là
hội nghị diễn ra lần đầu tiên sau khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN
(AEC) vào tháng 12/2015.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
- Xin Bộ trưởng cho biết các hội nghị lần này đã đạt được những kết
quả gì và nó có ý nghĩa như thế nào đối với việc xây dựng AEC trong thời
gian tới?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế
ASEAN lần thứ 48, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã rà soát lại các khuôn
khổ, cơ chế hợp tác của AEC và thông qua hàng loạt những hợp tác, nhằm
cụ thể hóa các định hướng, chủ trương, nền tảng của AEC, trong đó có
hàng loạt khuôn khổ về vệ sinh an toàn thực phẩm, hay các khuôn khổ của
ASEAN trong thuận lợi hóa thương mại của các nước ASEAN, tức là dựa vào
hàng rào quan thuế, với các yêu cầu, tiêu chí rất cụ thể.
Khung khổ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cách tiếp cận
nguồn tài chính; cũng như hàng loạt các khung khổ, hướng dẫn khác của
ASEAN trong AEC đối với từng lĩnh vực cụ thể.
Ngoài ra, hàng loạt các hội nghị quan trọng khác cũng được các Bộ trưởng
Kinh tế ASEAN tiến hành đó là Hội nghị Tham vấn của ASEAN với các nước
đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Á); Hội nghị Bộ
trưởng Kinh tế ASEAN với các nước Australia, New Zealand, Canada, Mỹ…
Hàng loạt các hội nghị này đã giúp chúng ta có điều kiện cùng với các
nước đối tác trong ASEAN không chỉ hoàn thiện thể chế, các khuôn khổ hợp
tác của nội khối ASEAN, mà còn tiếp tục giúp cho ASEAN có một lộ trình
và một bước để hoàn thiện những khung khổ, mở rộng hợp tác giữa ASEAN
với các đối tác quan trọng khác như Đông Bắc Á, hay với khu vực Hội đồng
Khu vực Mậu dịch tự do (AFTA) của ASEAN, của ASEAN với Australia, New
Zealand, cũng như của ASEAN với Ấn Độ, Mỹ, với một số quốc gia châu Âu,
phương Tây…
Với lộ trình và nội dung rất cụ thể và thông qua hàng loạt các khung khổ
hợp tác của ASEAN với các nước đối tác như vậy không những ASEAN có
khung khổ hợp tác rộng lớn hơn mà còn đóng góp vào kết quả rất cụ thể để
thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – một hiệp
định kinh tế toàn diện giữa ASEAN với các đối tác lớn ở Đông Bắc Á, cũng
như thế giới.
Cũng tại hội nghị lần này, chúng ta đạt được hàng loạt các thỏa thuận,
khung cơ bản giữa Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với các đối tác cũng như thỏa
thuận về khung khổ giữa các nước trong ASEAN.
Đây có thể nói là nền tảng giúp các nước ASEAN biến từ các chủ trương,
nội dung trong các hiệp định nội khối để xây dựng AEC thành hiện thực
với các chỉ dẫn, hướng dẫn cụ thể trong khu vực công, khu vực của nhà
nước, cũng như khu vực tư nhân (doanh nghiệp), đặt ra trong các hoạt
động đời sống của AEC.
- Xin Bộ trưởng cho biết Việt Nam đã có những đóng góp gì cho thành công của các hội nghị lần này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thứ nhất, tại hội nghị lần
này, chúng ta tham gia rất cụ thể vào khung khổ ASEAN mà nội khối đã
trao đổi để thực hiện các chủ trương về AEC 2016, ngoài những nội dung
chúng ta trao đổi đều là những lĩnh vực đã và đang rất có uy tín đối với
nền kinh tế, cũng như đời sống người dân trong nước, chúng ta còn trao
đổi hàng loạt những lĩnh vực khác và đạt được sự đồng thuận cao.
Thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh ở đây là trong quá trình trao đổi và thúc
đẩy sự hợp tác của ASEAN thì hàng loạt những đề án lớn của ASEAN mà
chúng ta đang làm thí điểm trong thời gian vừa qua, ví dụ như cấp chứng
nhận về xuất xứ điện tử, thí điểm về tự cấp xuất xứ cho doanh nghiệp…
hay là hướng tới kết nối, xây dựng cơ chế một cửa của ASEAN. Có thể nói,
đây là đóng góp rất lớn của Việt Nam trong các đề án đó.
Với việc kết nối chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực tham gia và
trên cơ sở của những đóng góp trên thực tiễn của Việt Nam tại các đề án
đó, cũng như trong khung khổ của ASEAN, thì có thể nói ASEAN đã tiến một
bước rất lớn, bước dài trong lĩnh vực này.
Đây có thể coi là những bước đột phá rất cơ bản để tạo thuận lợi tối đa
cho khu vực doanh nghiệp trong hàng loạt lĩnh vực tiếp cận thị trường,
khai thác được những thuận lợi từ việc dỡ bỏ các rào cản về thủ tục hành
chính của các nước trong nội khối ASEAN.
Ở đây, chúng tôi cũng tính tới hàng loạt các lĩnh vực mà chúng ta có
những đóng góp với các nước ASEAN trong quan hệ với các nước đối tác,
như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc trong kế tục hoàn thiện các khuôn khổ
hợp tác về tăng cường năng lực sản xuất với Trung Quốc chẳng hạn, hay
như đề án phát triển về thương mại điện tử và các doanh nghiệp nhỏ và
vừa với các sáng kiến của Hàn Quốc, cũng như là của Nhật Bản.
Đây đều là những lĩnh vực mà chúng tôi tin tưởng rằng sẽ tạo ra được sự
phát triển và mang lại diện mạo mới cho ASEAN trong khung khổ hợp tác
với các nước khu vực Đông Bắc Á, cũng như là với các nước trong hiệp
định RCEP sắp tới.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
(TTXVN)