Cách đây 25 năm, ngày 15/3/1993, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình
Dương (APPF) đã được thành lập với mục tiêu xây dựng lòng tin giữa nghị
viện các nước trong khu vực thông qua việc tăng cường các cuộc đối thoại
giữa các nghị sỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, qua đó đóng góp
cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Vào thời điểm đó, xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ đòi hỏi nghị viện các
nước trong khu vực ngày càng phải phát huy vai trò tích cực hơn trong
việc xem xét, ban hành các quyết định của mình liên quan đến chính sách
đối ngoại. Bên cạnh đó, do sự thay đổi trong xã hội, người dân ngày càng
quan tâm đến vai trò của nghị viện trong hoạt động đối ngoại bởi những
chính sách, luật pháp do nghị viện các nước trong khu vực quyết định có
những ảnh hưởng to lớn đến đời sống của người dân những nước láng giềng
đồng thời, sự phát triển của xã hội đòi hỏi các nghị sỹ cần phải có sự
tương tác trực tiếp với những người đồng nghiệp của mình để tăng cường
đối thoại, nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau trong việc thực hiện vai trò
của nhà lập pháp.
Từ thời điểm đó cho đến nay, APPF ngày càng trở thành một diễn đàn liên
nghị viện quan trọng với sự tham gia của 27 Nghị viện thành viên, trong
đó có nhiều nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada,
Australia… Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng như
hiện nay, cùng với Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương
(APEC), Diễn đàn APPF ngày càng thể hiện vai trò là một cơ chế đối
thoại, hợp tác quan trọng giữa các nước trong khu vực, thể hiện ở một số
điểm chính như sau:
Thứ nhất, nghị viện là cơ quan đại diện thể hiện trực tiếp ý kiến của cử
tri và từ đó có thể trao đổi, đối thoại với cơ chế hợp tác liên chính
phủ để bảo đảm rằng ý kiến của công chúng được tính đến trong việc triển
khai chính sách đối ngoại. Do vậy, cơ chế hợp tác trong APPF góp phần
mở rộng đáng kể tính chính thức của chính sách đối ngoại của các nước;
đóng vai trò là nơi thể hiện các nguyện vọng và quan điểm của cử tri về
các vấn đề chính sách cụ thể.
Thứ hai, Diễn đàn APPF là nơi để nghị sỹ các nước trong khu vực có thể
gặp nhau, thảo luận, tìm kiếm những cách tiếp cận mới để xử lý những vấn
đề đang được các quốc gia trong khu vực quan tâm hoặc có những điểm
khác biệt mà chính phủ các nước khó có thể xử lý qua những kênh hợp tác
khác. Trong bầu không khí thân tình, thông qua các cuộc trao đổi thẳng
thắn, thông qua cơ chế của APPF, các nước trong khu vực có thể tìm được
các giải pháp hợp tác phù hợp.
Thứ ba, sự tham gia sâu hơn của nghị viện vào các vấn đề quốc tế được
xem như là một phần tất yếu của toàn cầu hóa. Ngày càng nhiều vấn đề yêu
cầu các nghị viện phải xem xét có nguồn gốc từ sự phát triển của các
mối quan hệ quốc tế. Thực tế cho thấy, việc mở rộng và đẩy mạnh hoạt
động đối ngoại của chính phủ các nước trong các tổ chức quốc tế cũng đặt
ra vấn đề cần tăng cường vai trò của các tổ chức liên nghị viện để vừa
hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đối ngoại, vừa tăng cường hoạt động giám sát.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự gắn bó giữa Việt Nam với các
nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong hơn 20 năm qua, Quốc
hội Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các
quan tâm chung của Diễn đàn. Tiếp nối ngay sau thành công của Tuần lễ
Cấp cao APEC-2017, trong những ngày đầu năm 2018 này, Quốc hội Việt Nam
là chủ nhà của Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện
châu Á-Thái Bình Dương.
Việc Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức APPF-26 là triển khai tích cực
chủ trương, đường lối đối ngoại đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XII của Đảng đã đề ra, đó là: “thực hiện đường lối đối ngoại độc
lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập
quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi
cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của
Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.”
Việc đăng cai và tổ chức APPF-26 là một điểm nhấn quan trọng trong công
tác đối ngoại Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, góp phần làm nổi bật thành tựu
ngoại giao của Nhà nước ta. Hội nghị cũng sẽ là dịp để tăng cường ngoại
giao song phương giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước trong khu
vực và trên thế giới. Đây là lần thứ 2 Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ
chức Hội nghị thường niên APPF sau lần đầu tiên là Hội nghị lần thứ 13
tại Hạ Long vào tháng 1/2005, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc
hội Việt Nam trong APPF, truyền tải mạnh mẽ thông điệp và hình ảnh Quốc
hội đổi mới, năng động, tích cực và trách nhiệm trong bạn bè quốc tế.
Hội nghị APPF-26 lần này có sứ mệnh quan trọng trong việc định hướng cho
các nghị viện thành viên APPF về một Tầm nhìn cho APPF, một tương lai
chung cho tất cả mọi thành phần với sự đóng góp và sáng tạo của các nghị
viện thành viên nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia và mọi
người dân. Với chủ đề chung của Hội nghị là “Quan hệ đối tác nghị viện
vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững,” nghị sỹ các nước châu
Á-Thái Bình Dương sẽ thảo luận các định hướng cho Diễn đàn trên những
vấn đề then chốt sau:
Thứ nhất, thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh
vượng trong khu vực và trên thế giới. Các nghị sỹ sẽ nêu những vấn đề
quan trọng, nổi bật liên quan tới hòa bình, an ninh tại châu Á-Thái Bình
Dương như tình hình bán đảo Triều Tiên, tình hình an ninh hàng hải, vấn
đề an ninh mạng… trong đó tập trung vào các giải pháp nhằm tăng cường
quan hệ hữu nghị, hợp tác, nhấn mạnh vai trò trọng tâm của ngoại giao
nghị viện.
Liên quan đến chủ đề này, Hội nghị cũng sẽ trao đổi về đấu tranh phòng
chống khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia. Các nghị sĩ sẽ thảo
luận, đánh giá lại tình hình hiện nay, nhất là nỗ lực chung chống chủ
nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Các nghị sỹ có một vai trò
quan trọng khi là cầu nối giữa người dân và chính quyền, do đó có thể
góp phần đẩy lùi tội phạm, bạo lực và chủ nghĩa khủng bố thông qua nâng
cao chất lượng luật, giám sát thực thi các chính sách bảo đảm đối xử
bình đẳng giữa mọi người dân, nêu cao tinh thần đối thoại, hợp tác cũng
như nguyên tắc pháp quyền và các cam kết quốc tế có liên quan.
Thứ hai, Hội nghị sẽ nghe thông báo về Kết quả của Hội nghị Cấp cao APEC
năm 2017, thảo luận các nội dung hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á-Thái
Bình Dương, chia sẻ những quan điểm của Nghị viện và đóng góp vào nỗ lực
của khu vực hướng tới mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, hòa bình, ổn
định, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Các nghị sỹ cũng sẽ thảo luận về vai trò của nghị viện thúc đẩy liên kết
kinh tế sâu rộng và toàn diện; vấn đề an ninh lương thực và phát triển
nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ
nguyên số. Đây là những nội dung bám sát các nội dung quan trọng của Hội
nghị Cấp cao APEC-2017. Các nghị sỹ sẽ phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm
và thực tiễn từ vai trò của mình đối với các vấn đề như phát triển chuỗi
giá trị toàn cầu, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy thương
mại dịch vụ và đầu tư, loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan,
phát triển thương mại điện tử, nâng cao năng lực tham gia các FTA thế hệ
mới, kết nối khu vực; đảm bảo an ninh lương thực thông qua những hành
động, giải pháp cụ thể; kinh nghiệm trong hoạt động của nghị viện nhằm
phát triển các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa.
Thứ ba, về các vấn đề hợp tác tăng cường hành động chung nhằm ứng phó
với biến đổi khí hậu, các nguồn lực cho phát triển bền vững và đẩy mạnh
hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực. Thông qua chức năng quyết định
ngân sách, phân bổ ngân sách, nghị viện giữ vai trò quyết định thúc đẩy
thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Nghị viện phải
tạo thuận lợi cho quy trình hoạch định, thực hiện và đánh giá mức đóng
góp tài chính của mỗi quốc gia nhằm thúc đẩy những bước tiến trong mức
độ đóng góp tài chính quốc tế hiện nay đối với mục tiêu ứng phó toàn cầu
đối với biến đổi khí hậu trong bối cảnh phát triển bền vững. Các nghị
sỹ cũng sẽ trao đổi, thảo luận những kinh nghiệm tốt trong hành động của
nghị viện để nâng cao hiệu quả hợp tác về văn hóa và du lịch, đặc biệt
là trong bối cảnh thế giới và khu vực trở thành một thể kết nối toàn
cầu, đa dạng về văn hóa, xã hội.
Thứ tư, thảo luận về những sáng kiến để nâng cao hiệu quả thực chất, vai
trò của APPF đối với hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực cũng
như trên thế giới tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác vì phát
triển bền vững và tăng trưởng cho tất cả ở khu vực châu Á-Thái Bình
Dương. Trong chủ đề này, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về một số công
việc khác của APPF như sửa đổi quy chế hoạt động APPF, trong đó có bổ
sung về Hội nghị nữ nghị sỹ APPF.
Trong khuôn khổ hội nghị, cuộc họp Nữ Nghị sĩ APPF cũng sẽ tập trung vào
chủ đề Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng
chung. Bình đẳng giới là mục tiêu số 5 trong 17 mục tiêu phát triển bền
vững và là một ưu tiên hàng đầu đối với mọi quốc gia, là một chuẩn mực
để đánh về sự phát triển và tiến bộ xã hội. Nghị viện cần phải giữ vai
trò then chốt ở cấp quốc gia và quốc tế trong việc thực hiện mục tiêu
này. Điều quan trọng là phải khuyến khích các nữ nghị sỹ tham gia sâu
hơn vào các phiên thảo luận, cùng hành động để thúc đẩy bình đẳng giới.
Cuối cùng, để kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển APPF, ghi dấu ấn
một giai đoạn phát triển mới của APPF, Quốc hội Việt Nam đề xuất dự thảo
Tuyên bố APPF Hà Nội – Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu
Á-Thái Bình Dương. Bản Tuyên bố sẽ đảm bảo tính kế thừa của APEC cũng
như phù hợp với các Tuyên bố dấu mốc mà APPF đã từng thông qua để nhấn
mạnh những cam kết của các nghị viện thành viên vì mục tiêu chung, lợi
ích chung dựa trên những nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ, sự đa dạng về thể chế chính trị, văn hóa, tôn giáo của
nhau, nêu cao nguyên tắc pháp quyền và luật pháp quốc tế; thúc đẩy hợp
tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên mọi lĩnh vực; nâng cao vai trò,
vị trí của APPF trở thành một đối tác của APEC, ủng hộ APEC hiện thực
hóa những cam kết trong APEC thông qua những chức năng chính của nghị
viện là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề ngân sách.
Trong một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động và một châu Á-Thái Bình
Dương phát triển năng động, APPF ngày càng trở thành một diễn đàn liên
nghị viện quan trọng. Trên cương vị chủ nhà của Hội nghị thường niên lần
thứ 26 của APPF, Quốc hội Việt Nam có trọng trách cùng các nghị viện
thành viên phát huy tối đa vai trò của APPF trong việc xúc tác, gắn kết
các bên và thiết lập vị thế là một đối tác có tiếng nói tại các diễn đàn
hợp tác đa phương khác trong khu vực và trên thế giới. Với việc đăng
cai tổ chức APPF-26, Quốc hội Việt Nam mong muốn tiếp tục khẳng định chủ
trương đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, là bạn
và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, phấn đấu cùng nghị viện các
nước thành viên APPF vun đắp cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương ổn định,
năng động, gắn kết vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững. /.
Đỗ Mạnh Hùng
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Nguồn: TTXVN