Chủ Nhật, 29/9/2024
Pháp luật
Thứ Năm, 4/12/2014 23:37'(GMT+7)

Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại

Quang cảnh Hội nghị.     Ảnh PV

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh PV

Tham dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban chỉ đạo; Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Phó trưởng Ban chỉ đạo. Tham dự còn có Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và các bộ ngành có liên quan; đại diện Thành ủy, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp; Ban Chỉ đạo thực hiện Thừa phát lại; Trưởng các Văn phòng Thừa phát lại tại các địa phương mở rộng thí điểm tham dự hội nghị.

Hội nghị tập trung đánh giá tình hình, kết quả thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại trong thời gian qua; trao đổi thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chế định này.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, sau khi triển khai thực hiện thí điểm Thừa phát lại, Bộ đã phối hợp với TANDTC, VKSNDTC và các bộ, ngành liên quan thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm Chế định Thừa phát lại ở Trung ương; Ban chỉ đạo đã ban hành Quy chế làm việc, Kế hoạch công tác cũng như đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện.

Nhìn tổng thể, việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai một cách bài bản, có trách nhiệm và đã thu được kết quả nhất định. Đến nay, thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, chế định Thừa phát lại đã được thí điểm tại 13 địa phương trong cả nước với 51 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập. Tính từ khi thành lập đến 31-10-2014, riêng doanh thu các Văn phòng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt trên 56 tỷ đồng; lập 22.940 vi bằng, tống đạt 351.897 văn bản, xác minh điều kiện thi hành án 361 việc…

Đối với 12 địa phương mở rộng thí điểm, đến nay đã thành lập được 39 văn phòng Thừa phát lại. Nhìn chung, các văn phòng được đầu tư cơ sở vật chất và hoạt động ổn định; doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng với 1.729 vi bằng và 25.787 văn bản…

Tuy nhiên, việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân và một số cơ quan, cán bộ, công chức vẫn còn hạn chế; việc triển khai một số công việc còn chậm so với kế hoạch; công tác tuyên truyền ở Trung ương và địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu nên hiểu biết của người dân và xã hội về Thừa phát lại còn ít ỏi. Các Văn phòng Thừa phát lại tại 12 địa phương mở rộng thí điểm chậm ổn định tổ chức, sắp xếp nhân sự để thực hiện tốt công việc.

Đánh giá những kết quả của các bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm Thừa phát lại thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương ghi nhận những thành tích đã đạt được là rất cơ bản. Đồng thời chỉ rõ, để hoạt động Thừa phát lại thực sự hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phục vụ nhu cầu của người dân, trong năm tới, ngành Tư pháp, địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, phổ biến về Thừa phát lại nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong việc triển khai thực hiện thí điểm cũng như hiểu biết và tiếp cận của người dân đối với dịch vụ này.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý nhà nước về Thừa phát lại; kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của Thừa phát lại. tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho Thừa phát lại, Thư ký và năng lực quản lý, điều hành Văn phòng của các Thừa phát lại đặc biệt là về những quy định, hướng dẫn mới, những nội dung phức tạp, dễ sai sót, vi phạm trong hành nghề…

Trưởng Ban Chỉ đạo Hà Hùng Cường lưu ý: “Ban Chỉ đạo, các cơ quan Trung ương và địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát, giám sát hoạt động Thừa phát lại để nắm bắt kịp thời tình hình, phục vụ tốt cho sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước; Viện Kiểm sát cần quan tâm kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại, kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm để kiến nghị, kháng nghị hoặc yêu cầu Văn phòng thực hiện rút kinh nghiệm, khắc phục”.

Tiếp tục thực hiện việc khảo sát, đánh giá vai trò, tác động của Thừa phát lại và những tác động của thí điểm chế định này đối với việc thực hiện, bảo vệ quyền của cá nhân, tổ chức, đối với xã hội và hoạt động tư pháp; đánh giá khả năng phát triển bền vững của nghề thừa phát lại ở giai đoạn tiếp theo; tăng cường hợp tác quốc tế về Thừa phát lại; tổ chức tốt việc tổng kết, báo cáo Chính phủ, Quốc hội và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng Luật Thừa phát lại.../.

 

Ngày 23/11/2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và một số công việc khác. Theo quy định, Thừa phát lại được thực hiện 4 nhiệm vụ chính: Tống đạt văn bản giấy tờ của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án.

 PV

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất