Hơn 500 đại biểu đến từ 150 nước và hơn 20 tổ chức quốc tế đã tham dự lễ khai mạc Phiên họp trù bị của các quan chức cấp cao của Hội nghị toàn cầu lần thứ hai về nông nghiệp, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu (gọi tắt là AFC), diễn ra sáng 3/9, tại Hà Nội.
Hội nghị này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp với Bộ Kinh tế, Nông nghiệp và Đổi mới Hà Lan, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức trong ngày 3-7/9.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh các hoạt động ưu tiên trong hội nghị lần này là tập trung vào việc xác định các nguồn tài chính mới, mở rộng nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, tăng cường đầu tư của khu vực tư nhân thông qua cơ chế đối tác công tư (PPP), tăng cường quản lý rủi ro và đưa ra các giải pháp thực hiện thích hợp.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc phải đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho khoảng 9 tỷ người với mức tăng sản lượng lương thực toàn cầu khoảng 70% đến năm 2050 là một thách thức lớn trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác quá mức và sử dụng lãng phí, chưa kể tác động ngày càng lớn của thiên tai, biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi các quốc gia phải có các chính sách thông minh và toàn diện trong phát triển nông nghiệp, lồng ghép đầy đủ vào chiến lược phát triển tổng thể của các nước.
Ông Hans Hoogeveen, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Nông nghiệp và Đổi mới Hà Lan cho rằng cải thiện cả hệ thống nông nghiệp và bảo vệ môi trường là rất quan trọng, chuyển đổi nông nghiệp là trọng tâm của tiến trình tăng trưởng bền vững. Những thách thức về biến đổi khí hậu cũng cần phải giải quyết trước mắt. Vấn đề an ninh lương thực không thể giải quyết từ một quốc gia đơn lẻ, mà cần có sự chung tay hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thành công của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam , để từ đó nhân rộng ra trên toàn cầu.
Đại diện của FAO và WB cũng đều thống nhất cao quan điểm phải tạo được các chiến lược, chính sách và thị trường thích hợp; đặc biệt khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, huy động mọi nguồn lực để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và phổ biến thông tin, tạo điều kiện cho phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
Phiên họp trù bị của Hội nghị AFC sẽ có ba ngày làm việc để xem xét, đánh giá các kết quả đạt được cũng như đưa ra các điều chỉnh thích hợp trong lộ trình hành động từ Hội nghị AFC lần thứ nhất, tổ chức tại Hà Lan vào năm 2010; đồng thời thiết lập những ưu tiên mới, cụ thể hóa các hành động để thực hiện và phát triển nền nông nghiệp thân thiện với môi trường làm động lực cho tăng trưởng xanh trên toàn cầu.
Qua Phiên họp trù bị, các ý tưởng mới, kế hoạch hành động phù hợp sẽ được thống nhất và đưa ra tại phiên họp cấp Bộ trưởng vào ngày 6/9 tới để thông qua./.
(TTXVN)