Nhân kỷ niệm lần thứ 13, Ngày Tránh thai Thế giới 26/9, sáng ngày 25/9/2020, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) với sự đồng hành của Công ty TNHH Bayer đã tổ chức Hội thảo hưởng ứng Ngày tránh thai Thế giới với thông điệp“Chủ động tránh thai, chủ động tương lai” nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai… cũng như kêu gọi sự quan tâm và nhiều nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan có liên quan đặc biệt là cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Trước tình hình đáng báo động về quan hệ tình dục không được bảo vệ cũng như kiến thức, hiểu biết về các biện pháp tránh thai còn thiếu trong giới trẻ; các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính trong hệ thống nhà trường không đủ để cung cấp thông tin một cách toàn diện về phòng tránh thai; hàng năm có tới 1/3 trong số các trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn; 36% độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25, chính vì lý do trên, liên minh của 11 tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội khoa học và y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và sinh sản đã thống nhất lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày tránh thai thế giới và phát động lần đầu tiên vào ngày 26/9/2007 tại Châu Âu.
Ngày tránh thai Thế giới có ý nghĩa như một Chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh: Mục tiêu của Ngày tránh thai Thế giới nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biên pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản.
Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân chung tay phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ, Hội thảo hưởng ứng Ngày tránh thai Thế giới năm nay sẽ được được tổ theo hình thức livestream trên trang cpcs.vn và fanpage Vụ Truyền thông-Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế. Chương trình livestream có sự hiện diện của đại diện Lãnh đạo Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Công ty TNHH Bayer Việt Nam. Và với hình thức phát sóng trực tiếp, chương trình đã tiếp cận được đến các đại diện bộ, ngành đoàn thể TW, các Chi cục DS - KHHGĐ các tỉnh/thành phố, đại diện cán bộ làm công tác dân số, chị em phụ nữ, học sinh, sinh viên và đông đảo người dân quan tâm. Trong buổi phát sóng trực tiếp, Tổng cục DS-KHHGĐ đã đưa ra các thông tin hữu ích về tình hình thực hiện KHHGĐ, nhu cầu sử dụng các biên pháp tránh thai và lợi ích của việc tránh thai tại Việt Nam.
Tại hội thảo đại diện Tổng cục DS-KHHGĐ đã có phần trình bày về những thành tựu quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ những năm qua. Tỉ lệ tăng dân số bình quân giảm từ 1.7% giai đoạn 1989-1999 xuống còn 1.44% giai đoạn 2009-2019. Tổng tỷ suất sinh (TFR) là 2,09 con/phụ nữ và 1.44% là tỷ lệ tăng dân số giai đoạn 2009-2019, mức sinh vẫn duy trì ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con ở Việt Nam là phổ biến. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) năm 2019 là 14 trẻ tử vong trên 1000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với cách đây 20 năm. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) của Việt Nam năm 2019 là 21,0 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với năm 1999 (56,9 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống). Năm 2019 tỷ số tử vong mẹ (MMR) là 46 ca trên 100.000 trẻ sinh sống, giảm 23 ca so với năm 2009. Tỷ lệ sử dụng biên pháp tránh thai năm 2018 là 76,5%, trong đó tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại là 65,5%. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019.
Các kết quả công tác DS-KHHĐ đạt được đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Nhờ thành công của chương trình DS-KHHGĐ, đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn tiếp tục gia tăng. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng, đặc biệt VTN/TN cần được quan tâm hơn. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn một số hạn chế. Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Phòng tránh thai mang lại rất nhiều lợi ích:
Chủ động trong việc sinh con. Lợi ích của việc phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra.
Tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ việc không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều hay quá muộn, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý nên sẽ hạn chế được các tai biến cho bà mẹ và thai nhi. Đẻ quá muộn thì làm tăng tỉ lệ dị tật thai. Đẻ quá nhiều và dày khiến cho phụ nữ hao mòn, dễ bị tai biến khi sinh đẻ, thậm chí là chết lưu và suy dinh dưỡng…
Phòng tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình: Lợi ích của việc phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn. Nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, SKSS.
Đặc biệt, Hội thảo năm 2020 có phần báo cáo các kết quả đạt được của Chương trình truyền thông xã hội về các kết quả đạt được cho kế hoạch dài hạn 4 năm với chủ đề “Là phụ nữ tôi chọn sống chủ động” do Tổng cục DS-KHHGĐ và Hội LHPN Việt Nam thực hiện với sự tham gia góp sức của Bayer Việt Nam. Chương trình truyền thông đã được tổ chức bài bản trên quy mô toàn quốc, thường xuyên được cập nhật và hoàn thiện nội dung trong suốt những năm qua.
Trong đó, năm 2017 chương trình ““Là phụ nữ tôi chọn sống chủ động” đã tổ chức liên tiếp 12 hội thảo chuyên đề phổ cập kiến thức phòng tránh thai tại 12 tỉnh thành với hơn 1.200 chị em là cán bộ nòng cốt của Hội LHPN Việt Nam tham gia. Đồng thời có hơn 428,000 chị em phụ nữ trong cả nước đã sôi nổi tham gia cuộc thi online “Hiểu về tránh thai”. Đây là kênh truyền thông trực tuyến giúp chị em kiểm tra kiến thức về phòng tránh thai với nguồn thông tin chính xác tin cậy.
Để tiếp nối những thành công đó và với mong muốn có thể mang những kiến thức chuyên sâu về tránh thai đến với chị em phụ nữ trên cả nước, Tổng cục DS-KHHGĐ tiếp tục nhân rộng mô hình hội thảo tư vấn và giao lưu chuyên sâu đến các đối tượng là các bộ dân số địa phương. Mô hình hội thảo tập trung cấp tỉnh giúp cho cán bộ dân số đang làm việc tại địa phương có thêm động lực, hiểu rõ về công việc mình đang làm và có niềm tin trong thực hiện các nỗ lực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho từng cán bộ dân số đến mỗi người dân.
Với kế hoạch dài hạn trong năm 2018, bước đầu 15 buổi hội thảo có 300 cán bộ phụ nữ, 1.200 các bộ dân số và 17 hội thảo tại các trường đại học với 5.100 sinh viên cả nước tham gia tập huấn chuyên sâu nhằm cung cấp những thông tin khoa học chính xác và cập nhật về các phương tiện tránh thai hiện đại, trong đó có thuốc tránh thai đến các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu tránh thai. Sau khi chương trình diễn ra tại các địa phương đã có những phản hồi rất tích cực, cũng như nhận được sự ủng hộ biểu dương của các cơ quan báo đài địa phương và có hơn 15 triệu chị em phụ nữ trên cả nước được tuyên truyền về sức khỏe sinh sản .
Song song với các hoạt động trên là các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cuộc thi online “Hiểu về tránh thai” vẫn được tiếp tục triển khai. Và để tôn vinh những đóng góp không mệt mỏi của các cán bộ dân số, trong năm 2018, chương trình đã tổ chức cuộc thi "Cùng viết nên câu chuyện truyền cảm hứng" dành cho các cán bộ dân số và được hưởng ứng nồng nhiệt.
Trong năm 2019, với 18 chương trình hội thảo cùng 300 cán bộ phụ nữ , 1.500 cán bộ dân số cả nước và 17 hội thảo tại các trường đại học với 5.200 sinh viên tham gia chương trình. Kết thúc năm 2019 chương trình đã có hơn 25 triệu chị em phụ nữ trên khắp cả nước sẽ trực tiếp được chính những cán bộ dân số tư vấn trực tiếp bài bản về cách lựa chọn các phương pháp tránh thai phù hợp.
Bắt kịp xu hướng thời đại số hóa, trong năm 2019, để thuận tiện hơn cho các cán bộ dân số cũng như chị em phụ nữ tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, chương trình đã cho ra mắt App Mobile với tên “Sống chủ động”, đây nơi tổng hợp đầy đủ tất cả các kiến thức về sức khỏe sinh sản, các phương pháp ngừa thai, cũng là nơi giao lưu với các chuyên gia hang đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản. Sau một năm ra mắt, App Mobile “Sống chủ động” đã tiếp cận được đến hàng ngàn chị em phụ nữ trên toàn quốc.
Lễ ký kết giữa 2 bên về kế hoạch 5 năm (2021-2025) cho giai đoạn 2 của Chương trình
Tiếp nối thành công của “Chương trình Truyền thông KHHGĐ vì sức khỏe cộng đồng” trong giai đoạn 1, tại Hội thảo năm nay, Tổng Cục DS-KHHGĐ và Công ty Bayer Việt Nam đã thực hiện Lễ ký kết giữa 2 bên về kế hoạch 5 năm (2021-2025) cho giai đoạn 2 của Chương trình. Là công ty có bề dày lịch sử nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phụ nữ, cũng như là đơn vị dẫn đầu thị trường thuốc ngừa thai đường uống, Bayer luôn ủng hộ các chương trình của quốc gia như “Chủ động tránh thai, tròn vai thiên chức” và chia sẻ các nỗ lực, hành động giúp phụ nữ nâng cao nhận thức, làm giàu vốn hiểu biết về tránh thai thai an toàn. Tại Việt Nam, Bayer rất vinh dự trở thành đối tác lâu dài của Tổng cục DS-KHHGĐ trong “Chương trình Truyền thông kế KHHGĐ vì sức khỏe cộng đồng”, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn việc sử dụng biện pháp tránh thai như là một phần của KHHGĐ, từ đó giúp họ có những quyết định đúng đắn về việc sử dụng biện pháp tránh thai để có cuộc sống chủ động và tốt đẹp hơn. Với nền tảng vững chắc 25 năm hiện diện và gắn bó với Việt Nam, Bayer sẽ tiếp tục cam kết lâu dài để góp phần không ngừng nâng cao sức khỏe phụ nữ và chất lượng KHHGĐ tại Việt Nam.
Trong thời gian tới việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số. Mục tiêu chính là đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai./.
Các thông điệp
1.Phụ nữ cần nắm vững thông tin về các biện pháp tránh thai để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
2.Hãy chủ động sử dụng biện pháp tránh thai để không mang thai ngoài ý muốn.
3.Hãy tham gia tư vấn tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn.
4.Kế hoạch hóa gia đình là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng.
5.Sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp là bảo vệ sức khỏe sinh sản.
6.Sử dụng biện pháp tránh thai là chìa khóa của hạnh phúc.
7.Không mang thai ở tuổi vị thành niên vì tương lai, hạnh phúc của chính bạn.
|
Thu Liên-Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình