PGS. TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có các nguyên Trợ lý của Tổng Bí thư
Đỗ Mười, đại diện chính quyền quê hương Thanh Trì (Hà Nội), gia đình
của đồng chí Đỗ Mười cùng đông đảo các nhà khoa học của Học viện Chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh.
NHÀ LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC, CÓ UY TÍN LỚN
Trong báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS. TS. Lê Văn Lợi,
Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định hội thảo
là hoạt động thiết thực nhằm ôn lại cuộc đời cách mạng vẻ vang và tri
ân những cống hiến to lớn của đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp
hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với sự nghiệp cách
mạng của Đảng và dân tộc.
Điểm lại những cột mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Tổng
bí thư Đỗ Mười, PGS. TS. Lê Văn Lợi nhấn mạnh kỷ niệm 105
năm Ngày sinh đồng chí Đỗ Mười, chúng ta tưởng nhớ và tri ân sâu sắc
những hoạt động, cống hiến của “nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người đảng viên cộng sản kiên trung,
suốt đời cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Hội thảo khoa học kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Đỗ Mười diễn
ra trong không khí toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang thi đua lập
thành tích chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng, chào đón Xuân
Nhâm Dần 2022, đồng thời đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Đại hội toàn
quốc lần thứ XIII của Đảng vào thực tiễn đời sống; thực hiện Chỉ thị số
05 và Kết luận số 01 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", đồng thời hiện nay cả nước
cũng đang thực hiện những biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm
soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe của nhân dân và đẩy mạnh
phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, hội thảo khoa học kỷ niệm 105 năm Ngày sinh nguyên Tổng Bí thư
Đỗ Mười càng có ý nghĩa thiết thực, góp phần bồi dưỡng, giáo dục truyền
thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ
trẻ, để tiếp nối, phát huy những thành quả cách mạng mà các thế hệ tiền
bối đã dày công xây dựng, đưa đất nước Việt Nam phát triển hùng cường,
phồn vinh và hạnh phúc trên con đường đổi mới theo định hướng xã hội chủ
nghĩa.
NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN TRUNG, CÓ NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN
Các tham luận hội thảo của các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận, làm rõ những cống hiến của Tổng Bí thư Đỗ Mười trên các phương diện: người cộng sản kiên trung, có những đóng góp to
lớn với phong trào cách mạng ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; nhà lãnh đạo
xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; tấm
gương đạo đức cách mạng mẫu mực.
Trong tham luận có tiêu đề “Những cống hiến của Thường trực Ban Bí
thư Đỗ Mười những năm đầu thời kỳ đổi mới (1986-1988)”, TS. Đặng Kim
Oanh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã có những phân tích
làm nổi bật vai trò cống hiến trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội,
trong công tác xây dựng Đảng của ông Đỗ Mười trên cương vị Thường trực
Ban Bí thư Trung ương Đảng (từ tháng 12/1986 đến tháng 6/1988).
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
Bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, là người trưởng thành từ một
công nhân, với nhiệt huyết cách mạng sục sôi, lại chịu khó tự học,
nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, cùng với sự mẫn cảm chính trị,
trên cương vị Thường trực Ban Bí thư, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng tập
thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện những bước đi ban đầu của sự
nghiệp đổi mới.
Với sự hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực, với một tư duy sắc sảo,
nhạy bén và khả năng hùng biện, Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn có sức cuốn hút
kỳ diệu.
Với trách nhiệm là Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã cùng với
nhiều lãnh đạo và các cán bộ đi sâu đi sát cơ sở, nghiên cứu tìm tòi từ
thực tiễn, đề xuất với Đảng và Chính phủ nhiều giải pháp sáng tạo trong
lãnh đạo điều hành để thực hiện những bước đi quan trọng về phát huy dân
chủ trong kinh tế, từng bước đổi mới mô hình phát triển kinh tế, thực
hiện "Không thể khắc phục sự rối ren bằng cách quay trở lại cơ chế cũ,
mà phải kiên quyết thực hiện phân cấp quản lý theo nguyên tắc tập trung
dân chủ".
TS. Đặng Kim Oanh nêu bật vai trò của đồng chí Đỗ Mười trong công tác
xây dựng Đảng trước khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, để nâng cao
chất lượng hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý
kinh tế, Trung ương Đảng chủ trương tiếp tục triển khai công tác xây
dựng đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương.
Trên cương vị Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã viết nhiều bài
trên các báo, đặc biệt có bài “Nâng cao phẩm chất cán bộ và đảng viên,
giữ gìn sự trong sạch và tăng cường sức chiến đấu của Đảng” đăng trên
Tạp chí Cộng sản số 10/1987.
Nghiên cứu quan điểm của đồng chí Đỗ Mười về công tác cán bộ thời kỳ đổi
mới, TS. Trần Thị Hợi (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho
biết, nói về vị trí của cán bộ và công tác cán bộ, đồng chí Đỗ Mười khẳng
định đây là “vấn đề cán bộ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là khâu then
chốt”, “một mắt xích quan trọng nhất trong toàn bộ sự nghiệp đổi mới”.
Đồng chí đã có nhiều bài nói, bài viết quan trọng thể hiện những quan điểm lớn về công tác cán bộ thời kỳ đổi mới.
Tổng Bí thư Đỗ Mười cho rằng công cuộc đổi mới có nhiều khó khăn và
thử thách, thành công hay thất bại phụ thuộc lớn vào đội ngũ cán bộ.
Việc “xây dựng cán bộ lãnh đạo có cơ cấu đồng bộ, có bản lĩnh chính trị
vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có kiến thức và năng lực tổ
chức điều hành để đưa đường lối vào cuộc sống là vấn đề có ý nghĩa quyết
định”.
Do vậy, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nắm vững và vận dụng sáng tạo
đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào hoạt động thực tiễn,
trong mọi ngành, mọi cấp và mọi lĩnh vực, nhằm phát huy cao nhất các
nguồn lực trong nước, khai thác tốt nhất sức mạnh của dân tộc và thời
đại, tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua mọi thử thách, đưa đất
nước tiến lên vững chắc./.
Việt Đức (TTXVN)