Trước tình trạng văn học đang gia tăng tính nghiệp dư, thì việc nâng cao tính chuyên nghiệp của văn học đã trở thành một vấn đề cấp bách.
Nhằm triển khai các hành động thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức thành công cuộc Hội thảo: “Nâng cao tính chuyên nghiệp của văn học trong thời kỳ mới” trong hai ngày 13, 14 tháng 10 năm 2008, tại thành phố Ninh Bình.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Hội Nhà văn, đại diện Ban Tuyên giáo T.Ư, đại diện Tỉnh ủy Ninh Bình... và hơn 100 nhà văn hiện đang sinh sống và làm việc ở khu vực phía Bắc.
Trước tình trạng văn học đang gia tăng tính nghiệp dư, thì việc nâng cao tính chuyên nghiệp của văn học đã trở thành một vấn đề cấp bách. Trên hai chục bản tham luận và ý kiến của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình đã đi sâu vào nhận định, phân tích các khía cạnh của tình trạng nghiệp dư hoá các hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp mà theo đánh giá của Nghị quyết 23 là “đang có chiều hướng tăng lên”. Nhiều ý kiến đã vạch ra nguyên nhân chủ quan, khách quan của những yếu kém trong văn học và đề xuất những biện pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn học nghệ thuật và của các nhà văn.
Hội thảo đã dành nhiều thời gian để các nhà văn phát biểu trao đổi ý kiến, tìm tiếng nói chung trong một số vấn đề cơ bản. Các đại biểu đều tin tưởng bằng sự cố gắng của các cơ quan quan lý và sự nỗ lực của mỗi nhà văn tình trạng nghiệp dư hoá sẽ dần dần bị loại bỏ, tính chuyên nghiệp của tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng sẽ được nâng cao.
Kết luận Hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định chất lượng sáng tác gắn liền với chủ thể nhà văn, đồng thời chỉ rõ văn học chúng ta đang ở trong tình trạng "thừa năng khiếu nhưng thiếu nhân tài", vì thế Hội Nhà văn sẽ làm hết sức mình để Nghị quyết 23 đi vào đời sống văn học, từ đó tác động mạnh mẽ tới hoạt động sáng tạo văn học của nhà văn Việt Nam.
Trịnh Đình Khôi