Đây là Hội thảo quốc gia lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến
lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt
Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" (Ban Chỉ đạo), tiếp sau 2 Hội thảo đã được tổ chức tại Hà Nội và Đà Nẵng vừa qua.
Dự hội thảo quan trọng này có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị:
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Bí
thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban
Thường trực Ban Chỉ đạo; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn
Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ
tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành
phố Hồ Chí Minh.
Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn
Chiến cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo;
lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành và các
chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học pháp lý của
Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí
thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban
Thường trực Ban Chỉ đạo nêu rõ, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền đã được
Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ rất sớm và thể hiện ngày càng rõ hơn
trong Hiến pháp năm 1946, Cương lĩnh 1991; đến Hội nghị đại biểu toàn
quốc giữa nhiệm kỳ Đại hội VII chính thức xác định: “Xây dựng Nhà nước
pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân”. Cương lĩnh 2011 khẳng định
"Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân
dân do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo” là một trong tám đặc trưng của
xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đến Đại hội XIII, Đảng ta lần đầu tiên
đề ra nhiệm vụ “Nghiên cứu ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện
Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam...”.
Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cũng cho biết, Ban Tổ chức hội
thảo đã nhận được sự tham gia rất tích cực, tâm huyết, trách nhiệm của
các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý am hiểu sâu sắc
về lý luận, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú và đã có những đóng góp
quan trọng cho Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này. Đến nay, Ban Tổ chức Hội
thảo đã nhận được gần 40 bài tham luận rất công phu, có chuyên gia, nhà
khoa học gửi 2-3 bài. Nội dung các bài tham luận rất phong phú, đề cập
nhiều vấn đề mới, đột phá cho Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nước ta đến năm 2030, định hướng đến
năm 2045.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
Trong một ngày hội thảo, các đại biểu đã tham luận, trao đổi thẳng
thắn trên tinh thần thực tiễn và khoa học về các chủ đề liên quan đến
những vấn đề cốt lõi, đột phá chiến lược và những vấn đề mới, nhiệm vụ
trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
đến 2030, định hướng đến 2045 như: Cách tiếp cận, đổi mới nhận thức;
nhiệm vụ trọng tâm; hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát
quyền lực Nhà nước; đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; tư duy về
quyền tư pháp; đổi mới tư duy cải cách hành chính; quản trị Nhà nước
trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam… Các đại biểu cũng đánh giá cao
quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước; đề cao đến tính khả thi trong
các ý kiến đề xuất trên cơ sở bám sát đặc trưng cốt lõi của mô hình Nhà
nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Sau một ngày lắng nghe, trao đổi, tiếp thu các tham luận, ý kiến phát
biểu tại Hội thảo, thay mặt Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, tích cực của Ban Nội chính
Trung ương và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình của các nhà
khoa học, chuyên gia làm công tác thực tiễn đã chuẩn bị chu đáo, dành
thời gian nghiên cứu, viết bài và bố trí thời gian tham dự Hội thảo.
Chủ tịch nước nhận xét, kết quả 3 cuộc Hội thảo quốc gia về lĩnh vực
này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định cho sự thành công khi
triển khai trên thực tế với một khối lượng thông tin rất lớn, rất có giá
trị để chọn lọc, đưa vào nội dung của Đề án và Dự thảo Nghị quyết trình
Trung ương.
Khái quát nội dung của cuộc Hội thảo lần này, Chủ tịch nước nêu rõ,
về nhận thức, các đại biểu đã có được sự thống nhất cao về một vấn đề
chính trị - pháp lý rất quan trọng, đó là Nhà nước pháp quyền không phải
là một kiểu Nhà nước, mà là một phương thức tổ chức quyền lực Nhà nước
trên cơ sở thượng tôn Hiến pháp và pháp luật để bảo đảm bản chất dân chủ
của Nhà nước.
Theo đó, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là
quá trình Nhà nước ta thiết lập và vận hành những nguyên lý, đặc trưng
phổ quát, tiến bộ của Nhà nước pháp quyền hiện đại, mang định hướng
XHCN, bảo đảm bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam, là Nhà nước của
dân, do dân và vì dân, do Đảng lãnh đạo, nhằm mục tiêu phát triển đất
nước, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân. Do đó, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng
và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà Đại hội XIII của
Đảng đề ra là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và
nguyện vọng của nhân dân.
Chủ tịch nước nhấn mạnh đến mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2045, hoàn
thiện cơ bản mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của Nhân dân, do
Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo; lấy phát triển con người làm
trung tâm; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân;
bảo đảm chủ quyền nhân dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; có hệ
thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh
bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có hiệu lực cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập
quốc tế.
Cùng với đó là bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân
công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện
các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; có nền tư pháp chuyên nghiệp,
hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; có bộ máy Nhà nước tinh
gọn, thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có nền quản trị quốc gia
hiện đại, kiến tạo phát triển; văn hóa pháp luật, ý thức pháp luật của
xã hội được nâng cao…
Về các đột phá chiến lược, Chủ tịch nước cho rằng, để chủ quyền nhân
dân, quyền con người, quyền công dân, công bằng, công lý được thực thi,
Hiến pháp và pháp luật được thượng tôn thì phải tạo được các đột phá
trong ba khâu: Xây dựng và hoàn thiện thể chế; tổ chức quyền lực Nhà
nước và cải cách tư pháp.
Nhận xét sâu về kết quả của Hội thảo lần này, Chủ tịch nước cho rằng,
những ý kiến nêu ra tại Hội thảo về những nhiệm vụ, giải pháp mới, đột
phá cụ thể rất phong phú, đa diện, bao quát nhiều vấn đề, lĩnh vực liên
quan đến đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam như: Đổi mới
lập pháp, chế định nguyên thủ quốc gia, Hiến pháp, kiểm soát quyền lực
Nhà nước, cải cách tư pháp, cải cách hành pháp và cải cách hành chính và
đổi mới sự lãnh đạo của Đảng; đảm bảo quyền con người, báo chí, truyền
thông và nhân dân…
Chủ tịch nước đề nghị Tổ Biên tập xây dựng Đề án cần tổng hợp tiếp
thu đầy đủ ý kiến đề xuất, kiến nghị giải pháp được nêu ra tại Hội thảo,
nhất là những đề xuất mới, đột phá.
Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục
đóng góp thêm nhiều ý kiến sâu sắc hơn, cụ thể, chi tiết hơn trong các
buổi tọa đàm, giúp Ban Chỉ đạo hoàn thành Đề án để trình Trung ương vào
tháng 10 năm 2022.
Kết thúc cuộc Hội thảo quan trọng này, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đề án
Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến
năm 2030, định hướng đến năm 2045 có tầm quan trọng đặc biệt. Nhiều ý
kiến khẳng định rằng đây là thời cơ rất thuận lợi, với những điều kiện
chín muồi để tạo được bước tiến mới, đột phá trong đổi mới hệ thống
chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng
XHCN và hội nhập quốc tế.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một
lần nữa khẳng định quyết tâm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền
XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản
Việt Nam lãnh đạo, hướng tới một nền dân chủ, công bằng, công lý, hiện
đại, nhân văn, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, nâng cao tiềm
lực, vị thế và uy tín của đất nước, sớm đưa đất nước sánh vai với các
cường quốc năm châu như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng
với truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
TTXVN