(TG) - Sáng ngày 7/12, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo báo chí quốc tế "Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN".
Đây là diễn đàn mở để thảo luận về lý thuyết, chia sẻ tình hình, tiến trình và gợi mở phương án, giải pháp chuyển đổi số trong báo chí truyền thông tại Việt Nam và khu vực ASEAN.
Tham dự Hội thảo có 7 đoàn đại biểu quốc tế đến từ Liên đoàn báo chí ASEAN, gồm: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore...Về phía Việt Nam, đại biểu tham dự Hội thảo là đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo Trung ương, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà báo và đông đảo hội viên Hội Nhà báo Việt Nam...
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định: Các cơ quan truyền thông, báo chí khu vực ASEAN hơn bao giờ hết đứng trước thách thức, cơ hội to lớn trong việc tiếp tục dẫn dắt thông tin truyền thông, định hướng cho cộng đồng, công chúng, trao quyền lợi cho người dân; thực hiện sứ mệnh cao cả trong một thế giới có sự cộng sinh của tin giả và những vấn đề phức tạp khác trên không gian mạng. Những điều này không thể thực hiện được nếu không tiến hành chuyển đổi số.
Quang cảnh hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước đồng hành, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong cuộc chuyển đổi từ không gian thực đến không gian số. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí truyền thông đã ban hành chương trình hành động. Hơn 1 năm qua đã có sự chuyển biến rất quan trọng. Nhiều cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức tham gia hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số báo chí. Cuối năm 2023, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông công bố bản đánh giá đầu tiên về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Bộ chuyển đổi số này đánh giá các cơ quan báo chí trong thực hiện chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin; tổ chức hoạt động tác nghiệp, hiểu biết và nắm được dữ liệu, thói quen, kỳ vọng của công chúng, mức độ ứng dụng công nghệ số... Rất nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã mạnh dạn đưa các sản phẩm báo chí lên không gian mạng, mạng xã hội xuyên biên giới và các nền tảng của chính đơn vị mình. Đây là hành trình trải nghiệm mang lại nhiều kiến thức, kinh nghiệm thú vị và cả những bài học.
Thứ trưởng mong muốn thông qua hội thảo, các đại biểu trao đổi cởi mở, chia sẻ tình hình, kế hoạch, hoạch định chính sách và phương hướng để chuyển đổi số báo chí, truyền thông. Đây là tiền đề để các quốc gia thành viên, cũng như cơ quan truyền thông ở mỗi nước có sáng kiến, cách làm riêng để hoàn thành chuyển đổi số báo chí thời gian tới.
Hội thảo diễn ra theo 2 phiên. Phiên thứ nhất với nội dung “Lý luận chung về quản trị toà soạn số” diễn ra từ 08h30 đến 11h45 ngày 07/12/2023. Phiên thứ hai với nội dung “Quản trị toà soạn số: thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp” sẽ diễn ra từ 14h00 đến 17h00 ngày 07/12/2023.
Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các vấn đề chủ yếu sau: Thứ nhất, làm rõ các vấn đề lý luận chung về báo chí số và tòa soạn số, trong đó bao gồm nền tảng số và các công cụ số trong quản trị tòa soạn báo chí. Đồng thời, bàn luận và chỉ ra những vấn đề mới đang đặt ra cần phải tiếp tục nghiên cứu đối với xây dựng tòa soạn số. Thứ hai, bàn luận về xu hướng phát triển báo chí số trên thế giới và các quốc gia khu vực ASEAN; những cơ hội và thách thức đặt ra trong bối cảnh xu thế chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, những thay đổi của công chúng trong quá trình chuyển đổi số dẫn đến sự thay đổi trong sản xuất báo chí. Thứ ba, trình bày, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn ở các nước; từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi để thực hiện chuyển đổi hoạt động của tòa soạn của các cơ quan báo chí hướng tới xây dựng mô hình tòa soạn số. Đặc biệt, đề nghị các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà báo… chia sẻ kinh nghiệm, chỉ dẫn cụ thể về việc các cơ quan báo chí đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ trong xây dựng và quản trị tòa soạn ở cơ quan báo chí của mình, của quốc gia mình như thế nào. Từ đó, chúng ta có thể học tập lẫn nhau, ứng dụng các mô hình xây dựng và quản trị tòa soạn số một cách hiệu quả.
Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức đã khai mạc trưng bày chuyên đề "Hội Nhà báo Việt Nam: Những chặng đường lịch sử, chuyển đổi số và hợp tác quốc tế"./.
Đỗ Văn Hùng