Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ vừa tổ chức hội thảo, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế và doanh nhân Việt Nam đang sinh sống và kinh doanh tại Thụy Sĩ, để trao đổi thông tin, lắng nghe các ý kiến tư vấn nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, giáo dục, khoa học kỹ thuật, du lịch ... giữa Việt Nam và Thụy Sĩ.
Phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn phát biểu trong hội thảo của Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Nguyễn Thế Phiệt khẳng định Đại sứ quán sẵn sàng cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội, các chủ trương, chính sách, luật pháp của Việt Nam liên quan đến việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài trong hợp tác kinh doanh thương mại, đầu tư và dịch vụ tại Việt Nam cũng như kiến nghị trong nước về các chính sách kinh tế.
Trong bài thuyết trình về tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2012, Tham tán Lương Mạnh Hùng cho biết tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến năm 2012 đạt 5,2% với con số tuyệt đối là 136 tỷ USD, bình quân GDP đầu người là 1.540 USD.
Tính đến hết tháng 11/2012, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài có 738 dự án ở 67 quốc gia với số vốn đăng ký là 15,142 tỷ USD, trong đó vốn pháp định là 10 tỷ USD, còn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có 14.364 dự án với số vốn đăng ký là 212,846 tỷ USD, vốn pháp định là 72.075 USD.
Trong những năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ phát triển nhanh chóng nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Hai bên đã ký một loạt Biên bản ghi nhớ về các lĩnh vực như giáo dục, tài chính và ngân hàng. Thụy Sĩ đứng thứ tư trong số các nước ở châu Âu và đứng thứ 19 trên thế giới với 91 dự án đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký là 1,996 tỷ USD, trong đó vốn pháp định là 1,285 tỷ USD. Tuy nhiên, so với tiềm lực kinh tế của Thụy Sĩ (giá trị GDP năm 2012 ước đạt 700 tỷ USD), con số đầu tư này vẫn còn khá khiêm tốn.
Tại hội thảo, chuyên gia tư vấn về lĩnh vực tài chính ngân hàng Phạm Nam Kim hiện đang làm việc tại Thụy Sĩ cho biết Việt Nam có đủ các điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các kế hoạch đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam rất khó khăn để vực dậy nền kinh tế. Do vậy, Việt Nam cần phải quyết tâm để bảo vệ vị trí của mình trong lĩnh vực kinh tế.
Tiến sỹ Kinh tế Minh Trí Amacher, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế TRISTAR Consulting Ltd - Thụy Sĩ, cũng đưa ra ba yếu tố cơ bản và thiết yếu cần được quan tâm để có thể xúc tiến thương mại và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đó là xây dựng hành lang pháp lý, hạ tầng cơ sở, trình độ dân trí và ngoại ngữ.
Kể từ cuối năm 2009 đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ đã tổ chức 15 diễn đàn doanh nghiệp bàn tròn và hội nghị xúc tiến đầu tư kết hợp với Phòng thương mại Việt Nam-Thụy Sĩ, Phòng thương mại châu Á-Thụy Sĩ với sự hỗ trợ của một số ngân hàng như UBS và trường Đại học kinh doanh tại Zurich./.
(Theo TTXVN)