Đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, năm 2016 có 58.217 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp gửi tới đơn vị này.
Thông tin trên được đưa ra tại chương trình kỷ niệm “Ngày sở hữu trí tuệ thế giới” (26/4) diễn ra ngày 22/4 với chủ đề “Chắp cánh sáng tạo”.
Như vậy, so với năm 2015, lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng 14,2%. Trong đó, có 5.228 đơn sáng chế; 478 đơn giải pháp hữu ích; 2.868 đơn kiểu dáng công nghiệp; 42.848 đơn nhãn hiệu quốc gia và 6.656 nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Hệ thống Madrid; 9 đơn chỉ dẫn địa lý; 7 đơn đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và 123 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam (7 đơn sáng chế, 116 đơn nhãn hiệu).
Cục Sở hữu trí tuệ đã chấp nhận bảo hộ cho 29.880 đối tượng sở hữu công nghiệp, bao gồm 1.893 sáng chế; 177 giải pháp hữu ích; 1.966 kiểu dáng công nghiệp; 25.720 nhãn hiệu (trong đó có 4.822 nhãn hiệu quốc tế đăng ký theo Hệ thống Madrid); 7 chỉ dẫn địa lý; 9 thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và thẩm định hình thức 108 đơn đăng ký quốc tế nguồn gốc Việt Nam (7 đơn sáng chế, 101 đơn nhãn hiệu).
Tuy số lượng đơn sở hữu công nghiệp tăng, song số lượng đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của người Việt Nam vẫn còn tương đối khiêm tốn (chiếm khoảng 10%) và chưa đáp ứng được đòi hỏi phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên sự phát triển khoa học công nghệ, công nghệ ứng dụng mà trong đó vai trò của các bằng độc quyền sáng chế là hết sức quan trọng.
Theo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, muốn phát triển thị trường công nghệ, đổi mới sáng tạo có rất nhiều yếu tố tác động trong đó vai trò của việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, để xây dựng và phát triển khối tài sản vô hình của doanh nghiệp là cực kỳ cần thiết và có vai trò then chốt trong bối cảnh thị trường có tính cạnh tranh ngày càng cao như hiện nay.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần thích ghi, bắt kịp và quan tâm đúng mức tới việc xác lập, bảo vệ và khai thác các tài sản sở hữu trí tuệ của mình để tránh nguy cơ thua các doanh nghiệp nước ngoài trên sân nhà./.
Chắp cánh sáng tạo
Với mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ của cộng đồng, xã hội, đồng thời tạo động lực cho sự sáng tạo của các cá nhân và tổ chức, khơi dậy tiềm năng chất xám trong xã hội, Cục Sở hữu trí tuệ và Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp cùngTrung tâm Tình nguyện Quốc gia, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo tổ chức chương trình “Ngày sở hữu trí tuệ Thế giới 2017 tại Việt Nam – chắp cánh sáng tạo” để chào mừng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4.
Sự kiện bao gồm phần mít tinh tổng kết các hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung cũng như các vấn đề về bảo vệ, khai thác tài sản trí tuệ tại Việt Nam; nghi thức thả bóng bay; trình diễn hòa tấu âm nhạc, rap IP, nhảy Flashmob để truyền đi những thông điệp, niềm cảm hứng về đổi mới sáng tạo; hoạt động truyền thống xuyên suốt từ năm 2015: “Walk A-head for Innovation & IP - Đi bộ bằng đầu sáng tạo dài lâu”… |
(Vietnam+)