Tại họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều tối 1/8, đại diện các bộ,
ngành đã giải đáp nhiều câu hỏi của báo giới liên quan đến các vấn đề
nóng mà dư luận xã hội quan tâm như vụ tiêu cực trong kỳ thi trung học
phổ thông quốc gia tại một số địa phương vừa qua; việc kỷ luật Thứ
trưởng và nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; việc đào tạo phi công của
Vietnam Airlines; hệ thống đào tiền ảo Sky Mining bị sập ảnh hưởng tới
hơn 4.000 nhà đầu tư...
Rà soát lại toàn bộ các khâu coi thi, chấm thi
Thông tin về những tiêu cực trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia
tại một số địa phương vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn
Hữu Độ cho biết với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công an, cùng với
những thiết bị hiện đại sẽ khôi phục dữ liệu gốc của các bài thi có gian
lận ở tỉnh Sơn La, để trả lại điểm gốc cho thí sinh.
Căn cứ vào kết quả cuối cùng của cơ quan điều tra, Bộ sẽ có phương hướng
xử lý phù hợp, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Các trường hợp sai
phạm sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ rà soát lại toàn bộ các quy trình, các
khâu từ coi thi, chấm thi để hoàn thiện cho phù hợp, nâng cao nghiệp vụ
thi, năng lực, đạo đức nhà giáo. Hướng tới có thể chấm theo cụm thi và
để khách quan thì các tỉnh không chấm bài của tỉnh mình.
Trung tướng Bùi Văn Thành sẽ không còn là Thứ trưởng Bộ Công an
Liên quan đến việc vừa qua Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật đối
với hai tướng ngành Công an, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đang xử lý theo quy trình và làm ngay,
làm đúng để sớm công bố cho nhân dân biết. Đây là quyết tâm của Đảng và
Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, xử lý không có vùng cấm.
Trước đó, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ
trình số 130-TTr/UBKTTW ngày 27/7/2018, Bộ Chính trị quyết định thi hành
kỷ luật đảng với Thượng tướng Trần Việt Tân và Trung tướng Bùi Văn
Thành.
Bộ Chính trị cũng giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy
trình xử lý kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc hàm đối với các cán
bộ Công an này, bảo đảm đồng bộ, kịp thời, tương xứng với kỷ luật của
Đảng theo quy định.
Sau khi có quyết định của Bộ Chính trị, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã yêu
cầu Bộ Công an, Bộ Nội vụ triển khai ngay quyết định của Bộ Chính trị,
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói; cho biết quyết định của Bộ Chính trị nêu rõ
xử lý kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc hàm, Ban Cán sự đảng Chính
phủ đã họp, sẽ có hình thức xử lý tương xứng. Thứ trưởng Bùi Văn Thành
sẽ không còn là Thứ trưởng Bộ Công an.
Xem xét việc đào tạo phi công của Vietnam Airlines
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết
Bộ chưa nhận được báo cáo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam
Airlines) về việc đào tạo phi công.
“Cục Hàng không Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải xem xét
đầu ra của các ứng viên dựa trên hồ sơ về bằng cấp và việc huấn luyện
trong quá trình học. Hiện nay, chủ yếu học ở nước ngoài, trong đó đại đa
số ở các quốc gia rất phát triển như Hoa Kỳ, Newzeland, Australia và
một số nước châu Âu,” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông trả lời câu hỏi của phóng viên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ông Đông cũng khẳng định bất kể đầu vào hay được huấn luyện thế nào thì
vấn đề đầu ra vẫn phải dựa trên các điều kiện: một là danh sách của các
đơn vị được phép đào tạo nằm trong danh mục của Tổ chức Hàng không Quốc
tế công nhận và đánh giá phải tuân thủ, phù hợp với các quy định của
pháp luật Việt Nam. Hai là cá nhân người lái máy bay phải được Cục Hàng
không ở nước đào tạo tổ chức kiểm tra, đánh giá, cấp bằng lái cơ bản.
Sau đó, muốn lái loại máy bay nào thì phải học thêm để lái loại máy bay
đó. Việc này phụ thuộc vào nỗ lực của các học viên, đào tạo cơ bản và
đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn của ICAO trong điều hành máy bay quy mô
thương mại. Ba là quy chuẩn về an toàn hàng không. Đây là các yêu cầu
bắt buộc. Khi có báo cáo cụ thể của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Bộ
sẽ thận trọng xem xét.
Cần quy định chặt chẽ về nhập khẩu "máy đào tiền ảo"
Trả lời báo giới về việc quản lý tiền điện tử, tiền ảo tại Việt Nam và
biện pháp quản lý nhập khẩu mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động (máy
đào tiền ảo), lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công Thương cho biết
hiện tiền ảo hay bitcoin không phải tiền tệ và cũng không phải phương
thức thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc phát
hành và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Đại diện Bộ Tài chính trả lời câu hỏi của phóng viên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tuy nhiên, tháng 8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hoàn
thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền
điện tử, tiền ảo. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì rà soát,
đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và
nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan.
Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên
quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp xem xét và đề xuất tạm ngừng
nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo theo thẩm quyền.
Song, quy định của pháp luật hiện nay không cấm nên phải có đề xuất quy
định trường hợp nào thì cấm.
Quản lý chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
Về câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc có tình trạng hàng nước
ngoài tuồn sang Việt Nam, làm giả xuất xứ Việt Nam để được hưởng các ưu
đãi khi xuất đi nước khác, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết trong thời
gian qua, Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp luật nhằm tăng cường
quản lý về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch đấu tranh phòng chống vi phạm trong
sản xuất kinh doanh hàng hóa, chống giả mạo xuất xứ tại các địa phương,
trọng điểm đến hết năm 2020. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo lực
lượng Quản lý thị trường tại địa phương phối hợp với các cơ quan liên
quan hạn chế tốt nhất tình trạng này./.
TTX