Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 1/3/2019 17:55'(GMT+7)

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2-2019: Bám sát các kịch bản tăng trưởng

Đây là buổi họp báo thường kỳ đầu tiên kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, diễn ra cùng ngày với phiên họp Chính phủ tháng 2/2019 và một ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa kết thúc tại Hà Nội.

Người phát ngôn của Chính phủ thông tin về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019 đã diễn ra sáng 1-3.

Điểm lại kết quả của tháng 2, ông Mai Tiến Dũng cho hay, Chính phủ đánh giá, nhìn chung, tình hình KT-XH tháng 2 năm 2019 tiếp tục ổn định, diễn biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2019 tăng 0,8% so với tháng trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 9,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 5,9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 9,9%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 4,3%. Cả nước có gần 16.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 14,6% về số doanh nghiệp nhưng tăng 25,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; có trên 10.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 48,2% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện tăng 9,8%. Đây cũng là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng. Vốn FDI cấp mới tăng 75,7% so với cùng kỳ; FDI tăng vốn tăng 22,1% so với cùng kỳ; góp vốn, mua cổ phần tăng 4 lần so với cùng kỳ. Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý là lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,15 triệu lượt khách, tăng 10,12% so với cùng kỳ. Trong đó, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27-28/2 được coi là cơ hội “vàng” cho du lịch Việt Nam, thu hút một lượng lớn khách quốc tế. Kết quả, trong tháng 2, khách quốc tế đạt gần 1,59 triệu lượt, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là tháng Việt Nam đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết,Chính phủ lưu ý còn nhiều khó khăn, thách thức và một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. Thời tiết nắng ấm cũng khiến sâu bệnh gây hại trên lúa diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát ổ dịch tại sáu tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam.

Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như điện thoại và linh kiện giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; rau quả giảm 14,4%; cà phê giảm 26,9%; hạt điều giảm 21%; gạo giảm 17,5%; hạt tiêu giảm 20,6%.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời có những phản ứng chính sách phù hợp. Kiên định thực hiện các nhiệm vụ, công việc đề ra, trong đó cần bám sát mục tiêu tại các kịch bản tăng trưởng GDP hằng quý, 6 tháng, cả năm. Còn 1 tháng nữa là hết Quý I/2019, cần nỗ lực thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế  để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quý 1/2019, tạo tiền đề quan trọng cho việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019.

Người phát ngôn của Chính phủ cũng thông tin về những nỗ lực, kết quả đạt được của Việt Nam – nước chủ nhà trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2 được tổ chức tại Hà Nội, thể hiện vai trò, vị thế ngày càng được nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm, ngày càng phát huy vai trò hòa giải, dẫn dắt các mối quan hệ quốc tế và đang đóng góp tích cực cho hòa bình khu vực và thế giới.

Phóng viên đặt câu hỏi về những chi phí tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, phóng viên có đưa ra con số đối chiếu, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tổ chức tại Singapore, nước chủ nhà đã chi phí 20 triệu USD và thu về khoảng 500 triệu USD. Việt Nam có thống kê về chi phí bỏ ra cũng như số tiền thu được từ hội nghị này không? Nguồn lực xã hội hoá được huy động như thế nào?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, hiện chưa tổng hợp chi phí tổ chức Hội nghị nhưng có thể nói là không nhiều, tinh thần hạn chế tối đa dùng ngân sách nhà nước, nhiều DN đã tham gia cung cấp sản phẩm phục vụ cho hội nghị như sản phẩm đồ uống nước ép trái cây Lavifood được sản xuất trên dây chuyền công nghệ của Mỹ. Hoặc việc cung cấp miễn phí các món ăn ẩm thực của Hà Nội cũng để lại ấn tượng sâu sắc đối với các phóng viên quốc tế. Nhưng chúng ta thu tiền từ việc cho thuê các gian box tại Trung tâm báo chí, có 73 box cho 56 hãng thông tấn báo chí thuê. Những điều thu được có cái nhìn thấy, có cái không nhìn thấy. Thứ nhất, vị thế, vai trò của Việt Nam tăng lên, nhất là trong đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực. Thứ hai là uy tín về tổ chức, sự kiện được đánh giá là hoàn hảo, bảo đảm những gì tốt nhất có thể. Không chỉ hai nhà lãnh đạo, các quan chức cấp cao mà những phóng viên quốc tế tác nghiệp tại sự kiện đều cảm nhận được sự an toàn, an ninh, hoà bình, trật tự xã hội cũng như môi trường chính trị, kinh tế ổn định của chúng ta. Hình ảnh con người Việt Nam đến được mọi nơi trên thế giới. Việc quảng bá hình ảnh con người Việt Nam qua hàng nghìn phóng viên quốc tế tới người dân nhiều nước trên thế giới rất quan trọng.

Ngoài ra, phóng viên cũng đặt câu hỏi về dự án xây dựng nhà ga T3, về dự án gang thép Thái Nguyên và việc Bộ Công thương đang xúc tiến hỗ trợ đưa hàng lên trang thương mại Amazon, doanh nghiệp nên làm gì để được hưởng lợi, về đề án kinh tế chia sẻ, tình trạng hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam, giá lúa sau chỉ đạo đẩy mạnh thu mua dự trữ của Thủ tướng ngày 19/2…

Về thương mại điện tử với Amazon,Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin, ngày 14/1 vừa qua, hai bên đã ký kết và có một số nội dung chính. Thứ nhất là hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận thị trường thế giới thông qua trang Amazon.com. Thứ hai, để phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam trong môi trường thương mại điện tử của Amazon.com. Thứ ba, Amazon sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo các kỹ năng về kinh doanh quốc tế và kỹ năng về thương mại điện tử khi giới thiệu sản phẩm của mình trên Amazon.com. Một điểm nữa là để hỗ trợ cho các cán bộ, trước hết của Cục Xúc tiến thương mại và những người làm xúc tiến thương mại trên toàn quốc, về các kỹ năng xúc tiến thương mại nói chung, trong đó có phát triển thương mại điện tử. “Đây là một trong những nét mới của công tác xúc tiến thương mại, là biện pháp hữu hiệu thông qua một doanh nghiệp rất lớn và mang lại hiệu quả rất cao cho các doanh nghiệp Việt Nam với một chi phí rất hợp lý” – ông Đỗ Thắng Hải đưa ra đánh giá.

Về thu mua lúa gạo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích, trong mấy ngày gần đây giá lúa, gạo đã tăng lên một cách đáng khích lệ, trong thời gian tới, biện pháp chính ngoài việc giải quyết trước mắt thì lâu dài là vấn đề cung-cầu, gắn sản xuất với tiêu thụ và đầu ra. “Giải cứu” không phải là biện pháp lâu dài. Điều này phải có sự điều hành chung của Chính phủ và các bộ, gắn với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương mới giải quyết cơ bản được.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất