Thứ Hai, 25/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 2/4/2018 20:57'(GMT+7)

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 – 2018

41 ứng viên không đủ điều kiện xem xét công nhận chức danh GS.PGS

Thông tin về một số nội dung của cuộc họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày, Người phát ngôn của Chính phủ cho hay, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đã báo cáo Chính phủ về vấn đề phong chức danh GS, PGS. Theo báo cáo của Bộ trưởng, trong hơn 1.200 hồ sơ để xét công nhận chức danh GS.PGS, có 94 trường hợp có đơn thư và ý kiến phản ánh. Sau đó, Bộ GD-ĐT đã tiến hành kiểm tra, rà soát. Kết quả cho thấy chính thức có 41 ứng viên không đủ điều kiện để xem xét công nhận chức danh GS, PGS.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đợt năm 2017. Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước và Hội đồng chức danh cần nghiêm túc rút kinh nghiệm một cách sâu sắc vì để tình trạng còn nhiều hồ sơ ứng viên chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn, cần phải xác minh thêm trong đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đợt năm 2017. Đồng thời, phải khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định thay thế Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng ngay từ đợt xét công nhận tới. 

Về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu mở rộng cả về phía Nam và phía Bắc, nếu cần lấy đất sân golf thì lấy đất sân golf, tinh thần là tôn trọng ý kiến của tư vấn độc lập, của Bộ Giao thông – Vận tải và của Thành phố Hồ Chí Minh. Văn phòng Chính phủ sẽ sớm có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng về vấn đề này.

Rà soát, cắt giảm mạnh điều kiện kinh doanh không cần thiết

Cũng tại phiên họp, Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và kết quả kiểm tra tháng 3 năm 2018. Theo đó, từ ngày 01/01/2017 đến 31/3/2018, có tổng số 26.583 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 12.879 nhiệm vụ đã hoàn thành đúng hạn, 2.241 nhiệm vụ hoàn thành nhưng quá hạn; nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn còn 10.955, quá hạn: 508 - chiếm 4,7% (cao hơn so với tháng 2/2018).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 3 năm 2018, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra trong việc thực hiện nhiệm vụ giao và việc rà soát, xây dựng phương án đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không cần thiết, bất hợp lý nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Qua kiểm tra cho thấy các quy định về điều kiện kinh doanh của Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo còn một số bất cập. Như Bộ Tư pháp còn nhiều ĐKKD quy định chung chung, chồng chéo, khó hiểu, không lượng hóa được, cần đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ... Các Bộ này đã tiếp thu ý kiến của Tổ công tác. Bộ Tư pháp đã rà soát và dự kiến đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ 43/98 điều kiện kinh doanh, đạt 44% trong tổng số 98 điều kiện kinh doanh hiện nay của Bộ. Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát và dự kiến đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ 91/212 điều kiện, đạt 42,9%.

Khái quát tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm

Trong phần thông tin về nội dung họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra buổi sáng do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khái quát về tình hình kinh tế-xã hội, tháng 3 và 3 tháng đầu năm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực với 8 kết quả nổi bật:

Thứ nhất, tăng trưởng GDP Quý I/2018 tăng 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 5,15% của cùng kỳ năm 2017 và mức tăng 5,48% của cùng kỳ năm 2016.

Thứ hai, tăng trưởng đạt mức cao song lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 0,21%). CPI bình quân quý I năm 2018 chỉ tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; tăng 0,97% so với tháng 12/2017 và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ ba, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% (cùng kỳ tăng 6,4%), cho thấy tổng cầu, sức mua của người dân tiếp tục được cải thiện đáng kể. Nikkei vừa công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2018 của Việt Nam đạt 51,6 điểm, mặc dù giảm so với tháng 2, nhưng là một trong 2 nước của Đông Nam Á (Myanmar đạt 53,7 điểm) có điểm số cao nhất, trên 50 điểm.

Thứ tư, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 12,8%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,9%, cao hơn mức tăng 12,1% cùng kỳ; tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Thứ năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,4% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư tư nhân chiếm tỷ trọng 41,9% và tăng tới 16,9%.

Thứ sáu, khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% (cùng kỳ đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 21,1%).

Thứ bảy, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 mà VCCI vừa công bố hôm 22/3, cho thấy những thông tin khởi sắc, điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ khi bắt đầu thực hiện đến nay, gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số, phản ánh rõ ràng môi trường kinh doanh cấp địa phương của Việt Nam đã có những cải thiện rất ấn tượng theo thời gian, đặc biệt là trong năm vừa qua. Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thứ tám, thị trường chứng khoán phát triển mạnh, chỉ số VNIndex đã vượt đỉnh (1.170 điểm) 11 năm qua, cho thấy niềm tin thị trường rất tốt.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể là tuy số doanh nghiệp thành lập mới có tăng (có gần 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn đăng ký), nhưng mức tăng thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ năm trước có gần 26.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước đó; số vốn đăng ký tăng 45,8%). Có trên 12.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,9%, số doanh nghiệp giải thể trên 3.300 (trên 91% là doanh nghiệp nhỏ), tăng 1,6% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước tăng thấp hơn cùng kỳ, chỉ tăng 4,4% (trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 5,3%, năm 2016 tăng 5,9%) và thấp hơn các khu vực khác (khu vực ngoài nhà nước tăng 16,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,1%). Đáng lưu ý, giải ngân từ vốn ngân sách Trung ương quản lý vẫn tăng thấp (khoảng 4,2%), trong khi đó vốn ngân sách địa phương tăng 10,5%.

Mặc dù CPI tháng 3 giảm và quý I tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, không thể chủ quan về lạm phát. Công nghiệp chế biến chế tạo trong thời gian tới khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ do trong năm 2017 và quý I vừa qua đã tăng rất cao. Thương mại có thể gặp khó khăn do áp lực bảo hộ thương mại và các biện pháp phòng vệ từ các nước. Sản xuất nông nghiệp đã dần ổn định và có bước tăng trưởng, nhưng biến đổi khí hậu, thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. 

Tình hình vi phạm môi trường, tai nạn giao thông, cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, đã xảy ra hơn 1.000 vụ cháy nổ, làm 33 người chết, 66 người bị thương, có những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng như vụ cháy tại chung cư Carina (TPHCM).

Cũng trong tháng 3 vừa qua, chúng ta đã ký kết Hiệp định CPTPP, tổ chức nhiều sự kiện lớn như Hội nghị cấp quốc gia về phòng chống thiên tai, tổ chức thành công các sự kiện đối ngoại lớn như Hội nghị GMS 6 và CLV 10 hết sức thành công với nhiều sáng kiến của Việt Nam được đưa ra, nhất là việc tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS. Tất cả cả nước đều ủng hộ những vấn đề Việt Nam đưa ra để thúc đẩy hợp tác trong khu vực.

Chính phủ thống nhất mục tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng GDP tối thiểu là 6,7% và cố gắng đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo. Do đó, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không hài lòng, tự mãn với những kết quả đã đạt được; cần phải kiên trì, khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, đề xuất giải pháp phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới...

Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, 19-2017/NQ-CP, 35/NQ-CP, Chỉ thị 240 của Thủ tướng và Chương trình hành động của Bộ ngành, địa phương. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

AVG đã chuyển trả cho Mobifone 2.500 tỷ đồng

Trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh vụ việc của Mobifone và AVG, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo thông tin, theo báo cáo của Mobifone, đến nay AVG đã chuyển trả lại cho Mobifone 2.500 tỷ đồng. Theo như cam kết của AVG, chậm nhất trong vòng 90 ngày từ khi hai bên ký bản thoả thuận này phải hoàn trả. Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho hay, Bộ TT&TT cũng đang có chỉ đạo Mobifone giám sát việc này.

Ngoài ra, Người phát ngôn của Chính phủ cùng đại diện các bộ, ngành cũng đã trả lời các câu hỏi của phóng viên xung quanh các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm như vấn đề phòng, chống cháy nổ, xây dựng chung cư, an toàn tiền gửi trong ngân hàng…

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất