Thứ Tư, 13/3/2013 16:24'(GMT+7)
"Hợp tác ACMECS cần hướng đến ba mục tiêu chính"
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hợp tác
ACMECS trong giai đoạn tới cần hướng đến ba mục tiêu chính là tăng tính
cạnh tranh của các quốc gia thành viên trên cơ sở gắn kết thị trường,
hình thành chuỗi cung ứng và sản xuất khu vực và nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực; hỗ trợ tiến trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN
2015; bảo đảm phát triển bền vững của khu vực, quản lý và sử dụng bền
vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trong đó có ba dòng sông Ayaoadi, Chao
Phraya và Mekong.
Ngày 13/3, tại thủ đô Vientiane của Lào đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawadi-Chao Phraya-Mekong lần thứ 5 (ACMECS 5) do Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Thongsing Thammavong chủ trì. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Trong những năm qua, quan hệ kinh tế thương mại giữa các nước thành viên ACMECS không ngừng phát triển ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, thách thức. Tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với 4 nước Campuchia, Lào, Mianma và Thái Lan tăng liên tục trong những năm qua, từ khoảng 7,1 tỷ USD năm 2009 lên 8,4 tỷ năm 2010, đạt 10,9 tỷ năm 2011 và 12,8 tỷ năm 2012.
Kết quả này đạt được một phần nhờ các nỗ lực cải thiện cơ chế chính sách cũng như thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho trao đổi thương mại và đầu tư qua biên giới. Bên cạnh đó, liên kết giao thông giữa 5 nước ACMECS cũng được cải thiện rõ rệt thông qua việc thực hiện các tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC), Hành lang phía Nam (SEC), cũng như việc ký kết và triển khai các thỏa thuận song phương và đa phương về tạo thuận lợi giao thông.
Đồng thời, Chính phủ các nước cũng đã rất chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng cứng, xây dựng nhiều tuyến đường quan trọng kết nối các địa phương trong khu vực, đặc biệt là những địa phương nghèo vùng biên giới, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, xã hội và xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.
Hội nghị đã nhìn lại chặng đường 10 năm của hợp tác ACMECS và rà soát tình hình triển khai việc thực hiện Tuyên bố Phnom Penh và Chương trình hành động 2010-2012 trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên như tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế, an sinh xã hội và môi trường. Định hướng cho các hoạt động hợp tác tương lai, các nhà Lãnh đạo tái khẳng định cam kết trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra tại Tuyên bố Bagan vì mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa các nước thành viên, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực.
Các nhà Lãnh đạo cũng đã thông qua Tuyên bố Vientiane và Chương trình hành động ACMECS giai đoạn 2013-2015, theo đó gắn kết hơn nữa hợp tác ACMECS với quá trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 và thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, nâng cao tính cạnh tranh, vai trò và vị trí của các nước ACMECS trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hợp tác ACMECS trong giai đoạn tới cần hướng đến ba mục tiêu chính là tăng tính cạnh tranh của các quốc gia thành viên trên cơ sở gắn kết thị trường, hình thành chuỗi cung ứng và sản xuất khu vực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ tiến trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015; bảo đảm phát triển bền vững của khu vực, quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trong đó có ba dòng sông Ayaoadi, Chao Phraya và Mekong.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng các chương trình hợp tác không nên quá giàn trải mà cần tập trung vào một số nội dung chính mà ACMECS có lợi thế như: Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch thông qua các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh hơn nữa kết nối khu vực với trọng tâm là phát triển các tuyến hành lang kinh tế như Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC), Hành lang kinh tế Bắc-Nam (NSEC) và Hành lang kinh tế phía Nam (SEC) và các tuyến giao thông xuyên quốc gia khác…
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia thông qua các chương trình học bổng, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giữa các trung tâm đào tạo nghề trong nước với quốc tế, gắn kết chương trình giảng dạy của các cơ sở đào tạo nghề với nhu cầu của doanh nghiệp hoạt động tại địa phương. Đồng thời khuyến khích sự tham gia của khu vực doanh nghiệp vào các dự án hợp tác ACMECS và tranh thủ nguồn lực bên ngoài.
Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 6 sẽ được tổ chức trong năm 2014 tại Myanmar.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà Lãnh đạo đã có buổi đối thoại với khu vực doanh nghiệp ACMECS nhằm chia sẻ thông tin về những quan tâm chung và thảo luận hướng tăng cường hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp.
Các nhà Lãnh đạo ACMECS đều cho rằng, nỗ lực của Chính phủ 5 nước trong tăng cường hợp tác khu vực sẽ khó có thể đạt được kết quả thực tiễn nếu như không có sự ủng hộ và tham gia tích cực của khối doanh nghiệp. Do đó, các chính sách về tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, du lịch, phát triển công nghiệp, năng lượng, xây dựng nguồn nhân lực đều hướng đến việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp có thể làm ăn sinh lời và phát triển, để từ đó đóng góp vào nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội.
Trao đổi với đại diện khu vực doanh nghiệp ACMECS, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của khu vực doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia cũng như tiến trình hợp tác và hội nhập khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội đồng kinh doanh ACMECS cùng tham gia thực hiện Chương trình hành động ACMECS giai đoạn 2013 - 2015 và bày tỏ mong muốn nhận được phản hồi của các doanh nghiệp về tính thiết thực và tác động của các nội dung hoạt động để có sự điều chỉnh kịp thời.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại và đầu tư, đưa ACMECS trở thành sự lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp khu vực và quốc tế./.
Theo TTXVN