Thứ Tư, 2/10/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 7/9/2008 8:1'(GMT+7)

Hợp tác kinh tế để nâng cao quan hệ Nhật-Việt

Thi công trụ cầu Cần Thơ

Thi công trụ cầu Cần Thơ

PV: Ngài đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian qua?

Đại sứ Mitsuo Sakaba: Quan hệ giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản có lịch sử khoảng hơn 400 năm nay và quan hệ này đã phát triển tốt đẹp trong vòng 35 năm trở lại đây. Kể từ sau năm 1986, khi Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới, quan hệ hợp tác giữa hai nước, đáng chú ý trong lĩnh vực kinh tế, đã phát triển mạnh mẽ.

Tôi nghĩ rằng hiện nay trên tất cả các lĩnh vực như đầu tư, thương mại hay hợp tác ODA (viện trợ phát triển chính thức) thì Nhật Bản đang là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam.

Hơn thế, việc giao lưu giữa lãnh đạo hai nước cũng trở nên mật thiết trong những năm gần đây thể hiện qua chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (10/2006), chuyến thăm Việt Nam của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (11/2006) và gần đây nhất là chuyến thăm Nhật Bản cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (11/2007).

Ngài Đại sứ sẽ tập trung vào lĩnh vực cụ thể nào trong nhiệm kỳ này tại Việt Nam để đưa mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới?

Đại sứ Mitsuo Sakaba: Cũng như những năm trước đây, tôi cho là vẫn chú trọng vào phát triển hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Hai bên sẽ tiến hành thực hiện giai đoạn 3 Sáng Kiến chung Việt-Nhật vào tháng 9, nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Giai đoạn 3 sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Sở dĩ chúng tôi chọn công nghiệp phụ trợ vì sắp tới Việt Nam sẽ mở cửa thị trường ra khu vực ASEAN tức là thị trường sẽ tự do hơn nên các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cần phải có sức cạnh tranh lớn để tồn tại. Chúng tôi muốn người dân Việt Nam có cách nghĩ sâu sắc hơn về chất lượng sản phẩm và rằng để tạo được ra một sản phẩm tốt thì sản phẩm đó phải được làm từ linh kiện tốt.

Nhật Bản mong muốn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam trong 5 năm tới.

Tôi cũng hy vọng thời gian tới sẽ phát triển hơn nữa mối giao lưu giữa nhân dân hai nước. Hiện có khoảng 450.000 người dân hai nước đã du lịch sang đất nước của nhau.

Tôi cho rằng hiện đã đến thời kỳ chúng ta phải quan tâm đến chính trị quốc tế và sự phát triển và ổn định của khu vực châu Á. Việt Nam đã làm tốt vai trò là chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 7 vừa qua. Nhật Bản sẽ ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong mùa Thu năm nay và nếu được bầu, thì sang năm 2009, cả Nhật Bản và Việt Nam đều là ủy viên không thường trực của hội đồng này. Với tư cách là hai nước trong khu vực châu Á, chúng ta cần hợp tác trong các vấn đề của quốc tế và khu vực vì sự hòa bình và phát triển toàn cầu. Hiện nay, quan hệ giữa Nhật Bản và các nước ASEAN là rất mật thiết. Trong đó, Việt Nam là quốc gia thành viên chủ trốt của ASEAN và Nhật Bản rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam.

Nhật Bản là quốc gia đóng góp nhiều viện trợ phát triển cho các nước trên thế giới, nhất là khu vực Đông Nam Á, vậy trong thời gian tới khoản viện trợ này sẽ tập trung cho lĩnh vực nào tại Việt Nam?

Đại sứ Mitsuo Sakaba: Trước đây, Nhật Bản đã đầu tư vào các nước như Inđônêsia, Malaixia và Thái Lan, nhưng hiện nay, chúng tôi cho rằng để khu vực này phát triển hơn nữa thì sự ổn định và phát triển của Việt Nam là rất quan trọng. Chính phủ Nhật Bản mong muốn viện trợ để Việt Nam có thể phát triển nền kinh tế của mình theo kịp với các nước trong khu vực. Theo đó, hợp tác kinh tế Nhật Bản và Việt Nam cũng sẽ phát triển.

Từ trước đến nay, viện trợ ODA của Nhật Bản vào Việt Nam tập trung vào lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải như cầu đường, bến cảng để thúc đẩy giao lưu hàng hóa. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp ODA cho đầu tư hạ tầng giao thông với ưu tiên xây dựng đường sắt, đường cao tốc, tuy nhiên cũng sẽ chú trọng đến lĩnh vực môi trường và đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam.

Hiện tại, dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang được các chuyên gia bàn bạc để đưa ra chương trình cụ thể, còn dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đã bắt đầu được một phần. Ngoài ra, Nhật Bản còn hỗ trợ dự án xây dựng tàu điện ngầm tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những dự án quan trọng và lớn nhất mà Nhật Bản dành cho Việt Nam.

Bên cạnh các dự án lớn, chính phủ Nhật Bản cũng rất coi trọng việc viện trợ ODA cho các dự án nhỏ tại những khu vực nông thôn nghèo ở Việt Nam. Trong tháng 8, tôi đã ký một loạt các dự án loại này tại Hòa Bình, Gia Lai và Kon Tum. Số tiền đầu tư cho các dự án quy mô nhỏ tuy không nhiều nhưng đã góp phần thiết thực và đến được với những người dân thực sự cần nó. Tính trung bình mỗi dự án 1,5 tỷ VND do đó, mỗi năm Nhật Bản thực hiện khoảng 25-30 dự án loại này./.
 (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất