Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 3/10/2024 13:31'(GMT+7)

Hợp tác nghiên cứu tư vấn chính sách, tầm nhìn phát triển dài hạn của Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng tiếp Bà Mariam J. Sherman, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng tiếp Bà Mariam J. Sherman, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Bày tỏ vui mừng chào đón bà Mariam Sherman - Giám đốc Quốc gia WB Việt Nam đến thăm và làm việc với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng chúc mừng bà Mariam Sherman đảm nhiệm cương vị mới và chúc bà hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Giới thiệu về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh không chỉ là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước Việt Nam mà còn là trung tâm nghiên cứu, tư vấn chính sách hàng đầu quốc gia của Việt Nam, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị tăng cường hợp tác giữa WB với Học viện, trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn tổng kết 40 năm đổi mới đất nước cũng như WB đang xây dựng, hoàn thiện và chuẩn bị công bố các báo cáo về kinh tế Việt Nam, trong đó có Báo cáo Việt Nam 2045.

Cảm ơn Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã dành thời gian tiếp, bà Mariam Sherman - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, một trong những nhiệm vụ của WB tại Việt Nam đó là cung cấp cho Việt Nam các dịch vụ tư vấn về chính sách cùng với các hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư công.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, WB đã có mối quan hệ đối tác chặt chẽ, lâu dài, hiệu quả với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dưới hai góc độ đào tạo và nghiên cứu.

Về Báo cáo Việt Nam 2045, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Mariam Sherman bày tỏ mong muốn hợp tác với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hoàn thiện Báo cáo và cách thức tổ chức sự kiện công bố Báo cáo.

Bà Mariam Sherman cho biết hiện Báo cáo đã được tích cực xây dựng, hoàn thiện với các thông tin, dữ liệu quan trọng về những thành tựu quan trọng của Việt Nam về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường... cũng như đưa ra những khuyến nghị chính sách đối với tầm nhìn phát triển dài hạn của Việt Nam nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, tác động đến các mục tiêu phát triển của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Khẳng định Việt Nam luôn cam kết, đồng hành với WB triển khai có hiệu quả các cam kết mà hai bên đã đạt được, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng WB đã có đánh giá tích cực về những thay đổi ở Việt Nam hiện nay và mong muốn tổ chức này sẽ là cầu nối, chia sẻ với thế giới về câu chuyện thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, qua đó góp thêm tiếng nói để thế giới hiểu hơn về Việt Nam.

Các báo cáo của WB về Việt Nam cũng cần bổ sung, cập nhật những bước phát triển mới của Việt Nam như về nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam có chương trình hợp tác với Học viện trong nghiên cứu, tư vấn chính sách hỗ trợ các địa phương ở Việt Nam phát triển bền vững; đồng thời có những kiến giải, gợi ý hướng đi mới cho Việt Nam trong thời gian tới, tầm nhìn đến năm 2045 khi Việt Nam bước vào khởi điểm mới, kỷ nguyên vươn mình.

Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Báo cáo Việt Nam 2045 mà WB sắp công bố, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng ủng hộ đề xuất hợp tác giữa Học viện với WB trong hoàn thiện Báo cáo và tổ chức sự kiện công bố, nhất trí giao cho các đơn vị chức năng hai bên phối hợp thực hiện.

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Mariam Sherman cho biết, cơ quan này đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua. Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trên trường quốc tế cũng như nền kinh tế toàn cầu và có những nền tảng vững chắc để thu hút các nhà đầu tư quốc tế lớn.

Theo bà Mariam Sherman, cũng như các nền kinh tế với các mô hình phát triển kinh tế đang thành công trên thế giới, mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ là một tri thức hữu ích để WB chia sẻ dựa trên góc độ chuyên môn, kỹ thuật../.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất