Thứ Bảy, 21/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 20/2/2017 8:43'(GMT+7)

Hưng Yên: Gìn giữ nét đẹp của nghệ thuật hát Trống quân

* Nét đẹp tinh hoa trên quê hương Phố Hiến


Theo các nhà nghiên cứu, hát Trống quân ở Hưng Yên góp phần làm giàu kho tàng văn học dân gian và âm nhạc truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Cũng giống như các loại hình văn hóa dân gian khác, làn điệu và lời ca của hát Trống quân có mối liên hệ với các thể loại khác như: hát xoan, hát ví, hát cò lả, hát đúm… Lời ca của Trống quân thực sự là tiếng nói tâm tình, là ước vọng về một cuộc sống tươi đẹp, thể hiện trí tuệ của người lao động trước những hiện tượng của tự nhiên và xã hội. Do bản chất của hát Trống quân là hình thức hát đối đáp trai gái nên tình yêu nam nữ vẫn là chủ đề nổi bật nhất. Bên cạnh đó, làn điệu hát Trống quân còn đề cập đến những chủ đề ca ngợi thiên nhiên, đất nước cũng như cuộc sống lao động của con người.


Nội dung các câu hát Trống quân chủ yếu là đố hỏi. Trống quân Hưng Yên thường đề cập đến những chủ đề ca ngợi non sông đất nước, cuộc sống lao động, tình yêu đôi lứa, những điển tích văn học như: Truyện Kiều, Tần Cung oán, Chinh phụ ngâm, Nhị độ Mai… là thể loại dân ca đối đáp, giao duyên, trao đổi kinh nghiệm sống trong xã hội nông nghiệp lúa nước, thường tổ chức vào dịp nông nhàn, sau vụ mùa thu hoạch. Đây là hình thức sinh hoạt mang tính thời vụ bởi nó phụ thuộc vào chu kỳ cây trồng nông nghiệp. Ngoài ra, các làng còn tổ chức hát vào dịp hội làng, như Lễ hội đền Dạ Trạch, Lễ hội đền Phù Ủng...


Hưng Yên có nhiều vùng có hát Trống quân, nhưng nổi tiếng nhất là hát Trống quân ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu. Đi liền với những sự kiện chống ngoại xâm của dân tộc, hát Trống quân ở Dạ Trạch còn gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung, gắn với Lễ hội Chử Đồng Tử. Với nội dung bài bản đề cập đến các sự kiện lịch sử, địa danh làng xã, phong tục tập quán, sản vật quê hương, vậy nên dân gian coi nội dung các câu hát là kho sử liệu quý về lịch sử làng xã, là kho tàng tri thức có tính giáo dục cao trong cách thức ứng xử, có sức tuyên truyền hiệu quả, ca ngợi cái đẹp, phê phán cái xấu trong cuộc sống cộng đồng.


Theo nghệ nhân hát trống quân Nguyễn Hữu Bổn và người dân xã Dạ Trạch: Sinh hoạt hát Trống quân thể hiện sự kết nối cộng đồng rất phong phú, góp phần giải tỏa những lo toan, nhọc nhằn trong cuộc sống. Đồng thời, có tác dụng giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống của quê hương để họ có ý thức bảo vệ, giữ gìn di sản cha ông để lại. Sinh hoạt hát Trống quân góp phần vào việc phát triển phong trào văn nghệ ở địa phương, hướng tới việc hưởng thụ văn hóa lành mạnh cho thế hệ trẻ.


* Gìn giữ cho đời sau


Từ xa xưa, hát Trống quân ở Hưng Yên rất thịnh hành. Người hát tổ chức nhiều cuộc hát tại làng và giao lưu với các vùng lân cận. Thời kháng chiến chống Pháp và chiến tranh chống Mỹ, hát Trống quân có nguy cơ thất truyền ở nơi đây. Đến thời kỳ đổi mới, người dân Hưng Yên dần khôi phục các hoạt động văn hóa truyền thống, tâm linh, trong đó có hát Trống quân. Nhiều địa phương đã thành lập các đội văn nghệ hay câu lạc bộ để cùng sinh hoạt như: Câu lạc bộ hát Trống quân thôn Tiên Kiều, xã Bãi Sậy (huyện Ân Thi); Câu lạc bộ hát Trống quân thôn Kênh Cầu, xã Đồng Than (huyện Yên Mỹ); Tổ hát Trống quân thôn Đồng Chung, xã Việt Hưng (huyện Văn Lâm); Câu lạc bộ hát Trống quân lời cổ xã Vĩnh Khúc (huyện Văn Giang). Ở huyện Khoái Châu có Đội văn nghệ thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch; Câu lạc bộ hát Trống quân Hương Nhãn, xã Hàm Tử. Huyện Kim Động có Đội văn nghệ thôn Phú Mỹ, xã Đức Hợp; Câu lạc bộ Nghệ thuật truyền thống xã Hùng An...


Hiện nay, nhiều người yêu thích Trống quân ở Hưng Yên đã cùng nhau sưu tầm, khôi phục và duy trì sinh hoạt hát Trống quân truyền thống của quê hương. Họ thành lập các câu lạc bộ, nhóm hát để sinh hoạt và trao truyền nghệ thuật dân gian của ông cha cho các thế hệ kế cận. Các câu lạc bộ, nhóm hát thường xuyên dạy hát Trống quân cho thế hệ trẻ và cho các học sinh như trong giờ học nhạc ở Dạ Trạch, tại Nhà văn hóa thôn vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần ở thôn Kênh Cầu, tại nhà nghệ nhân ở Vĩnh Khúc.


Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên Trần Đăng Tuấn, cho biết: Tỉnh đang triển khai chương trình "Bảo vệ di sản hát Ca trù và Trống quân giai đoạn 2014 - 2020" nhằm tiếp tục khôi phục, giữ gìn và phát triển những giá trị đặc sắc về phong tục tập quán tốt đẹp, lề lối sinh hoạt văn hóa; đồng thời nâng cao nhận thức, lòng tự hào về việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa hát Trống quân trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


Từ nay đến năm 2020, cùng với Ca trù, hát Trống quân sẽ được phổ biến rộng rãi trong các lễ hội văn hoá của tỉnh; trong đó, hát Trống quân trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Hưng Yên. Các câu lạc bộ trên địa bàn thành phố Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Ân Thi, Yên Mỹ, Tiên Lữ thường xuyên tổ chức biểu diễn Trống quân để quảng bá, đồng thời phục vụ du khách theo tuyến du lịch sông Hồng, sau đó nhân rộng trong toàn tỉnh, để hát Trống quân là báu vật trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể được lưu truyền cho mai sau, mãi trường tồn là một loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Việt./.


Mai Ngoan/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất