Thứ Hai, 9/12/2024
Môi trường
Thứ Năm, 2/2/2023 9:5'(GMT+7)

Hướng tới 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý

Một bãi thu gom rác thải nhựa để tái chế tại Lào Cai. Ảnh tư liệu: Ngọc Hà/TTXVN

Một bãi thu gom rác thải nhựa để tái chế tại Lào Cai. Ảnh tư liệu: Ngọc Hà/TTXVN

Tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Biến đổi khí hậu, thiên tai, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang trở thành tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu. Các quốc gia ngày càng quan tâm thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm phát thải.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức, năm 2023, lĩnh vực bảo vệ môi trường đặt ra mục tiêu cải thiện các chỉ số thành phần môi trường; 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp.

Cục trưởng Hoàng Văn Thức cho rằng, các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, phát thải sẽ là rào cản đối với hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và thâm nhập vào các thị trường các nước phát triển, nhưng đây cũng là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình phát triển theo xu thế của thời đại với hỗ trợ về công nghệ, nguồn vốn của các nước phát triển. Do đó, năm 2023, lĩnh vực bảo vệ môi trường tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể gồm: tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020, huy động sự tham gia của toàn dân trong công tác bảo vệ môi trường; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chế định mới của Luật nhằm sàng lọc dự án đầu tư và chủ động phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ xảy ra ô nhiễm, đặc biệt các dự án có yếu tố nhạy cảm liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chuyển đổi đất rừng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ ban hành quy định về tiêu chí tiếp cận cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh và các cơ chế khuyến khích các dự án công nghệ cao, ít phát thải, dự án theo mô hình tuần hoàn; tổ chức thực hiện các quy hoạch về môi trường, phân vùng môi trường làm cơ sở thẩm định, thực hiện các dự án đầy tư đảm bảo hạn ngạch xả thải ra môi trường; thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển hạ tầng về môi trường, xử lý tái chế chất thải rắn, rác thải sinh hoạt theo đề án quản lý chất thải rắn. 

Cùng với đó, hệ thống các trạm quan trắc môi trường không khí sẽ được thiết lập nhằm thống kê, kiểm kê khí thải, kiểm soát chặt chẽ các công trình, nguồn thải, phương tiện giao thông giảm thiểu phát tán bụi, khí thải, hỗ trợ nông dân sử dụng phụ phẩm sau thu hoạch; thiết lập các “hàng rào” kỹ thuật môi trường, áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông, áp dụng công cụ kinh tế để hạn chế việc sử dụng các phương tiện cũ, lạc hậu tại các khu vực đô thị.

Lĩnh vực bảo vệ môi trường hướng tới đánh giá khả năng chịu tải, lập phân vùng và hạn ngạch xả nước thải vào môi trường nước mặt; thực hiện các biện pháp giảm thiểu các nguồn thải gây ô nhiễm, phục hồi môi trường các sông, hồ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; giám sát, kiểm soát bằng công nghệ tự động các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ; kiểm soát chặt chẽ môi trường khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, xử lý khu vực, điểm nóng về môi trường; kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; duy trì và tăng cường hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường của trung ương và địa phương.

Năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành đồng bộ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tổ chức các Hội nghị, Hội thảo tập huấn cho các địa phương trong tổ chức thực hiện các quy định mới của Luật; xây dựng kế hoạch xử lý, cải tạo, phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; hoàn thiện Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam theo chính sách, quy định mới của Luật bảo vệ môi trường hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, rác thải là tài nguyên được tái chế, tái sử dụng thay cho chôn lấp trực tiếp.

Năm 2022, ngành tài nguyên và môi trường đã hoàn thành chỉ tiêu 91% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo yêu cầu của Quốc hội; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 96,37% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 89%); đã có 11 nhà máy xử lý, đốt rác phát điện được khởi công; số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường giảm 65,38%, tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm từ 12,53% năm 2016 xuống còn 4,03% năm 2020 và đến nay còn 1,55%. Năm 2022, các ngành công nghiệp tái chế phát triển đạt mức tăng 11,3% so với năm 2021, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 trên thế giới về tái chế kim loại, nhựa, giấy và thủy tinh, đặt nền móng cho phát triển kinh tế tuần hoàn./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất