(TG) - Năm nay, Ngày Thế giới không thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới chọn thông điệp “Thuốc lá - Mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” làm chủ đề, nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của sử dụng thuốc lá tới môi trường và sức khỏe con người.
Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố, sau đại dịch Covid-19 là đại dịch của các bệnh các bệnh không lây nhiễm như huyết áp, tiểu đường, tim mạch, đột quỵ và Việt Nam cũng đang đối mặt với làn sóng chung này.
Theo báo cáo của Cục quản lý khám chữa bệnh có tới 70-75% bệnh nhân đến các cơ sở khám và điều trị liên quan đến các căn bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, mỡ máu, cholesterol, đột quỵ, tim mạch. Các khoa, các phòng ung thư, bệnh viện tim mạch, hô hấp quá tải. Và 1 trong những những nguyên nhân chính của các bệnh này chính là thuốc lá. Vì thế Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo chúng ta tiếp tục chiến đấu với những căn bệnh này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và hơn 1 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về hô hấp. Theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được Tổ chức Y tế thế giới triệu tập vào ngày 29/4/2020, những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do Covid-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.
Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, các nghiên cứu cho thấy, trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc. Thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. Hút thuốc ở phụ nữ mang thai gây các ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả bà mẹ cũng như thai nhi. Theo ước tính ở Hoa Kỳ, thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 30% các trường hợp tử vong do bệnh ung thư, là nguyên nhân chính gây ra 90% số người chết vì ung thư phổi; hút thuốc lá còn gây ra ung thư ở các phần khác như họng, thanh quản, thực quản, tuyến tụy, tử cung, thận, bàng quang, ruột và trực tràng…
Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút hoặc mất khả năng lao động vì đau ốm và tử vong sớm. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do hút thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.
Sử dụng thuốc lá còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá; việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẫu thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế thế giới, các tác động môi trường của việc sử dụng thuốc lá gây thêm áp lực không cần thiết đối với các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, do hơn 80% số người sử dụng thuốc lá là tại các nước này.
Các đại biểu và sinh viên tham dự sự kiện đạp xe hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá. (Ảnh: DC)
Tại Việt Nam, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc lá, tổ chức công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, kiểm tra, giám sát,… Nhờ đó, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá chung cả nước giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động giảm đáng kể tại các địa điểm như nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên các phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà. Theo kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới thực hiện năm 2019, tỷ lệ hút thuốc trong độ tuổi 13 - 17 tuổi giảm từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019, đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ… Tuy nhiên, Việt Nam vẫn trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2022 hãy bỏ thuốc lá vì sức khỏe bản thân, những người thân của bạn và vì môi trường trong lành./.
Một số thông điệp hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2022:
- Thuốc lá gây ô nhiễm trái đất và đe dọa sức khỏe con người.
- Mọi người có quyền được sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá.
- Không hút thuốc lá vì môi trường trong lành.
- Không hút thuốc lá là khỏe mạnh, văn minh, lịch sự.
- Không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi.
- Không hút thuốc lá gần người khác.
- Mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại cho sức khỏe.
- Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay để giảm nguy cơ tử vong do ung thư phổi.
- Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay để giảm nguy cơ tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay để giảm nguy cơ đột quỵ.
- Hút thuốc lá là tự hại mình và đầu độc những người xung quanh.
- Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. |
Thanh Xuân