Thứ Hai, 25/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 17/9/2021 8:49'(GMT+7)

Hướng về cơ sở trong phòng, chống dịch: Những 'chiến sỹ' tiên phong

Tổ phòng, chống COVID cộng đồng thôn Phúc Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Tổ phòng, chống COVID cộng đồng thôn Phúc Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

"Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết dịnh thành công trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân."

Đó là điều đặc biệt lưu ý mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi tới Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố là điểm nóng của dịch COVID-19 và các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan liên quan, trong Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021.

Từ mô hình đầu tiên ở Sơn Lôi


Nếu việc phòng, chống dịch được coi như cuộc chiến cam go chống giặc, mỗi người dân là một chiến sỹ thì Tổ (phòng, chống) COVID-19 cộng đồng thực sự là lực lượng tiên phong trong mô hình toàn dân "chống giặc."

Mô hình Tổ COVID-19 cộng đồng được bắt đầu tại ổ dịch Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Ổ dịch lớn đầu tiên của Việt Nam với 11 ca COVID-19 trong tổng số 10.600 nhân khẩu bị phong tỏa vào sáng 13/2/2020, khi 12 điểm chốt chặn được khẩn trương dựng lên bao quanh, nội bất xuất, ngoại bất nhập, trong suốt 21 ngày đêm.

Trong thành công của việc dập dịch nhanh chóng ở Sơn Lôi, bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng phòng, chống dịch thì sự vào cuộc của toàn thể nhân dân là vô cùng quan trọng. Cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 đã đến từng nhà, từng người dân, mang lại hiệu quả lớn mà không phải quốc gia nào cũng có thể làm được.

Từ Sơn Lôi, Tổ COVID-19 cộng đồng đã được phát triển ra toàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc cho biết tỉnh có 1.496 tổ với 11.314 thành viên.

Phương châm hoạt động hằng ngày của tổ là “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch tại từng hộ gia đình: Ở yên tại nhà, hạn chế đi ra ngoài khi không thực sự cần thiết; đeo khẩu trang; rửa tay bằng xà phòng; giữ khoảng cách; hạn chế tiếp xúc với người bên ngoài.

Bên cạnh đó, các Tổ COVID-19 cũng giám sát, phát hiện và báo cáo ngay qua điện thoại cho chính quyền địa phương và đơn vị y tế tuyến xã những trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại các hộ gia đình như: sốt; ho; đau họng; cảm cúm; ốm mệt hoặc đau ngực - khó thở để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời.

Các thành viên của Tổ COVID-19 còn có nhiệm vụ phát hiện những người đi từ vùng dịch về để báo cáo chính quyền địa phương và Trạm Y tế tuyến xã; trợ giúp truy vết các trường hợp tiếp xúc vòng 1 (F1), tiếp xúc vòng 2 (F2) khi có ca bệnh liên quan ở địa bàn mình phụ trách; phát hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã, các cấp có thẩm quyền... những trường hợp không tự giác khai báo; không chấp hành thực hiện cách ly đúng quy định.

Bên cạnh đó, Tổ COVID-19 cũng phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an trong việc rà soát, điều tra nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng, thuê trọ trên địa bàn… để kịp thời phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các trường hợp liên quan đến dịch COVID-19, đặc biệt là những người đến từ các địa phương có dịch.

Đến chiến sỹ tiên phong ở các điểm nóng

 Mô hình Tổ COVID-19 đã được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước, từng phát huy hiệu quả ở Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang…, sau đó là ở các tỉnh, thành phố phía Nam.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), đánh giá Tổ COVID-19 cộng đồng là vũ khí chống dịch độc đáo của Việt Nam. Đây là một trong những chìa khóa hữu hiệu, phát huy sâu rộng sức mạnh toàn dân, là cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch.

Khi dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng thì tình hình sẽ trở nên phức tạp vì mầm bệnh đã xâm nhập và có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ đối tượng nào. Vì vậy, hễ ca bệnh COVID-19 xuất hiện trong cộng đồng thì các lực lượng chức năng cần chủ động, khẩn trương triển khai ngay công tác tổ chức giám sát, phát hiện, lấy mẫu và cách ly tất cả những trường hợp có nghi ngờ. Để làm được điều này mà chỉ dựa vào lực lượng y tế là không đủ mà cần phải huy động, vận dụng sức mạnh của toàn dân.

Các tổ COVID-19 cộng đồng do Ủy ban Nhân dân cấp xã (phường) ra quyết định thành lập. Tổ hoạt động trên tinh thần tình nguyện với nòng cốt là các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tại cộng đồng, người tình nguyện tại khu dân cư dưới sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế.

Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 40-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ.

Thực tế đã chứng minh, trong nhiều đợt dịch, các Tổ COVID-19 cộng đồng hoạt động vô cùng hiệu quả, góp phần đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Mô hình này phát huy vai trò, sự sáng tạo của nhân dân trong cuộc chiến chung đẩy lùi dịch bệnh.

Đồng thời, các Tổ COVID-19 cộng đồng thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa chính quyền và nhân dân, qua đó tạo nên sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc.

Trong đợt dịch lần thứ 4, Bắc Giang là tỉnh có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất nước với tốc độ lây nhiễm nhanh trong khoảng thời gian ngắn vào tháng 5/2021.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng chính là công tác điều tra, giám sát dịch tễ. Mạng lưới Tổ COVID-19 cộng đồng nhanh chóng được thành lập. Đến nay, Bắc Giang có tổng cộng 10.963 tổ, nhóm phòng, chống COVID-19 trong cộng đồng, tổ phòng, chống COVID-19 tại các nhà trọ công nhân, khu chung cư với tổng số gần 40.000 thành viên.

Mỗi tổ, nhóm có 3-4 người là cán bộ thôn, bản, tổ dân phố, các đoàn thể, người có uy tín, công dân gương mẫu, tình nguyện viên tại khu dân cư; phụ trách từ 20-40 hộ gia đình hoặc từ 50-100 công nhân.

Đến giữa tháng 9/2021, các Tổ COVID-19 cộng đồng tại Bắc Giang đã phát hiện 2.269 người dân có biểu hiện sốt, ho, khó thở để báo chính quyền và cơ quan y tế cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Đặc biệt, trong đợt cao điểm phòng, chống dịch, đã có gần 70.000 công nhân được các thành viên của các tổ đảm bảo lương thực thiết yếu đến tận nhà trọ trong những ngày bị phong tỏa. Mọi nhu cầu đặc biệt của người dân, công nhân đều được đảm bảo như cung cấp thuốc chữa bệnh mạn tính, chăm sóc sức khỏe công nhân mang bầu, nuôi con nhỏ…

Bắc Giang trở lại trạng thái bình thường mới từ ngày 10/7. Tỉnh có gần 6.000 ca F0 và hầu hết các bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện. Thành công của Bắc Giang được coi là “thần kỳ” nhờ nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp của mạng lưới Tổ COVID-19 cộng đồng.

Tại Tiền Giang, một điểm nóng của dịch ở khu vực phía Nam, Tổ COVID-19 cộng đồng cũng được đánh giá là lá chắn chống dịch có hiệu quả. Nổi bật là các mô hình ở huyện Chợ Gạo.

Tại ấp Bình Quới Hạ (xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo), các thành viên trong Tổ COVID-19 cộng đồng luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc theo dõi các trường hợp người dân đi, đến tại các tỉnh, thành phố về địa bàn, nhất là các trường hợp đi, về từ vùng dịch.

Mỗi thành viên trong tổ cũng là một tuyên truyền viên tích cực thông tin về tình hình dịch bệnh, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Xã Bình Ninh đã thành lập 69 Tổ COVID-19 cộng đồng với 184 thành viên để quản lý 12 ấp với 3.318 hộ và 11.212 nhân khẩu. Còn ở quy mô toàn huyện có 1.042 tổ với 2.607 thành viên.

Mỗi tổ có từ 2 đến 3 thành viên là cán bộ tổ dân phố, ấp, khu phố, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư. Mỗi tổ phụ trách từ 30 đến 50 hộ gia đình.

Nhân rộng mô hình toàn dân chống dịch

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong sáng 11/9 đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; sự tham gia của các Tổ COVID-19 cộng đồng; sự hưởng ứng, chia sẻ và tham gia của các tầng lớp nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ: "Vận động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra, quyết liệt thực hiện và nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ."

Sự vào cuộc tích cực của các Tổ COVID-19 cộng đồng chính là sự hiện thực hóa việc chuyển hướng chiến lược chống dịch về cơ sở được nêu rõ trong Công điện số 1099/CĐ- TTg ngày 22/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi phường, xã là một pháo đài, mỗi người dân đều là chiến sỹ; người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch; sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết dịnh thành công trong phòng, chống dịch.

Mới đây, Ban Dân vận Trung ương đã gửi công văn tới Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông để giới thiệu về Tổ COVID-19 cộng đồng, nhận định đây là mô hình trực tiếp gần dân, sát dân; là cầu nối trực tiếp giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước với nhân dân; là mô hình thể hiện sâu sắc chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và là minh chứng cho thấy chiến thắng dịch là chiến thắng của nhân dân.

Nhằm phát huy sức mạnh nhân dân, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, mô hình tổ phòng, chống COVID-19 trong cộng đồng cần được nhân rộng.

Ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, khẳng định hoạt động của các tổ phòng, chống COVID trong cộng đồng là nhân tố có vai trò quyết định, là vũ khí chiến lược để có được kết quả phòng, chống dịch thành công ở địa phương như hiện nay.

Để các tổ phòng, chống COVID trong cộng đồng hoạt động hiệu quả thì nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu tỉnh đối với vai trò của các tổ là rất quan trọng. Kinh nghiệm thành công của Bắc Giang là gắn hiệu quả hoạt động của tổ phòng, chống COVID trong cộng đồng với trách nhiệm của lãnh đạo cấp huyện. Nếu phát hiện tổ phòng, chống COVID nào hoạt động một cách hình thức, không hiệu quả thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, phải động viên, khen thưởng kịp thời đối với các tổ; quan tâm đến hoạt động tập huấn theo hướng "cầm tay chỉ việc" đối với các thành viên; sử dụng mạng Zalo để trao đổi thông tin thông suốt từ tỉnh đến người dân.

Thừa Thiên-Huế không phải là địa phương sớm thực hiện mô hình Tổ COVID-19 cộng đồng, nhưng tỉnh này có bước đi bài bản, rút kinh nghiệm từ Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh…

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã công bố bản hướng dẫn hoạt động của Tổ Phòng, chống dịch cộng đồng rất chi tiết, mạch lạc nhằm huy động sự tham gia của cả cộng đồng chung tay “chống dịch như chống giặc."

Tổ Phòng, chống dịch cộng đồng ở Thừa Thiên-Huế được định nghĩa “là cầu nối chủ động về công tác phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp đến với nhân dân, hỗ trợ kịp thời công tác thông tin, tuyên truyền, nắm tình hình cơ sở, phát hiện, truy vết, cách ly trong công tác phòng, chống dịch, giúp cho người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch."

Trong số các thành viên của Tổ Phòng, chống dịch cộng đồng thì nên ưu tiên chỉ định những người đã từng tham gia các hoạt động tình nguyện y tế tại địa phương. Tổ trưởng Tổ dân phố, thôn trưởng làm Tổ trưởng. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách không quá 50 hộ gia đình thuộc địa bàn quản lý.

Theo quy trình hoạt động, hằng ngày Tổ Phòng, chống dịch cộng đồng rà soát các hộ gia đình được phân công nhiệm vụ; cung cấp số điện thoại đường dây nóng báo dịch và số điện thoại của Tổ phòng, chống dịch cộng đồng cho người dân thuộc khu vực do mình phụ trách; giám sát người được cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; báo cáo ngay cho trạm y tế và chính quyền địa phương, phối hợp chuyển người được cách ly có biểu hiện mắc bệnh như sốt, ho, khó thở trong quá trình theo dõi đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời…

Về tổ chức thực hiện, Sở Y tế chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chung hoạt động của Tổ Phòng, chống dịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh; kịp thời tổng hợp báo cáo, đề xuất, tham mưu Ban Chỉ đạo COVID-19 tỉnh bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch tại địa phương.

Sở Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở Y tế và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động của Tổ Phòng, chống dịch cộng đồng.

Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở Y tế và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc phát triển các giải pháp phần mềm ứng dụng hỗ trợ tác nghiệp của Tổ Phòng, chống dịch cộng đồng; đồng thời tổ chức, tập huấn, hướng dẫn Tổ Phòng, chống dịch cộng đồng triển khai thực hiện.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế chịu trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường, thị trấn trong việc tổ chức hoạt động của Tổ Phòng, chống dịch cộng đồng đạt hiệu quả cao.

Công an xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm phối hợp với Tổ Phòng, chống dịch cộng đồng trong việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng," vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch, kịp thời phát hiện và xử lý các yếu tố dịch tễ trong cộng đồng./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất