Thứ Ba, 1/10/2024
Pháp luật
Thứ Năm, 28/8/2008 9:20'(GMT+7)

Kê khai tài sản để tạo lập cơ sở pháp lý ban đầu

Đánh giá kết quả của đợt kê khai này, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết "Minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là một chủ trương lớn trong thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chính phủ đã ban hành nghị định và Thanh tra Chính phủ đã có thông tư hướng dẫn thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Đối tượng phải kê khai trong đợt này là cán bộ từ cấp phó phòng trở lên.

Sau đợt này, sẽ thực hiện kê khai tiếp ở một số đối tượng cán bộ, công chức trong lĩnh vực thực thi công vụ có liên quan đến người dân. Hiện phần lớn địa phương và bộ ngành đã kết thúc đợt 1 kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và đang tổng hợp báo cáo để chuyển giao về cho các cơ quan chức năng quản lý. Trong đó, cũng đã có một số địa phương tiến hành việc thẩm tra, xác minh các trường hợp mà dư luận phản ánh kê khai tài sản chưa đúng.

PV: Đã có trường hợp nào bị phát hiện kê khai không trung thực, thưa Tổng Thanh tra?

Đồng chí Trần Văn Truyền: Đã có một trường hợp ở Cà Mau (nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Công Lộc) kê khai tài sản không trung thực, bị người dân tố cáo. Các cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau cũng đã tiến hành thẩm tra, xác minh và kết hợp với việc xử lý nhiều sai phạm khác của đồng chí này, trong đó có xử lỗi không trung thực trong kê khai tài sản, đã bị kỷ luật khai trừ Đảng, cách chức viện trưởng Viện KSND tỉnh.

PV: Tại Tây Ninh vừa qua, trong cuộc họp kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, một lãnh đạo cấp tỉnh đã báo cáo với Đoàn kiểm tra Trung ương: “Ở Tây Ninh, cán bộ nào cũng có đất và có rất nhiều đất, nhưng không kê khai và tổ chức Đảng cũng không biết”. Tại một số tỉnh thành khác, cũng có những ý kiến tương tự. Tổng Thanh tra có nhận định gì?

Đồng chí Trần Văn Truyền: Như tôi đã nói, việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức trong đợt này không đặt ra việc kê khai đầy đủ, trung thực hay chưa, mà yêu cầu là phải kê khai. Đây là nghĩa vụ và thực hiện theo luật pháp quy định. Nó mang tính pháp lý đối với cán bộ, công chức. Người cán bộ, công chức phải chịu trách nhiệm pháp lý trong lời khai của mình. Do vậy, đợt kê khai này là kê khai đầu tiên và nó tạo ra cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng quản lý cán bộ, công chức.

Các cơ quan chức năng sẽ dựa vào bảng kê khai này như một lời cam kết, trình bày của cán bộ với tổ chức. Sau này, trong quá trình quản lý, nếu phát hiện cán bộ nào kê khai không trung thực sẽ bị xử lý. Hoặc sau này, tài sản của người đó có khác đi thì phải giải trình cho tổ chức một cách rõ ràng. Khi có yêu cầu về bổ nhiệm cán bộ, xác minh làm rõ theo đơn thư tố cáo, hoặc những việc mà cơ quan quản lý yêu cầu, sẽ tiến hành thẩm tra, xác minh.

Kết quả thẩm tra, xác minh nếu đúng thì thôi, khai không đúng thì sẽ công khai cái phần không đúng. Chẳng hạn như trước kia khi kê khai anh nói có 2 căn nhà, mà thẩm tra, xác minh có 3, 4 căn thì sẽ công bố anh có 3, 4 căn nhà. Như vậy là anh kê khai không đúng và anh sẽ bị xử lý cái tội không trung thực. Do đó, ý nghĩa của việc kê khai tài sản lần này chỉ nhằm mục đích xác lập hồ sơ kê khai tài sản ban đầu của cán bộ, công chức.

Hiện nay có nhiều cán bộ băn khoăn nói là “kê khai tài sản để làm gì?”. Vấn đề này, tôi đã nói là kê khai để quản lý cán bộ, để tạo lập cơ sở pháp lý ban đầu và sau này, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào đây để thẩm tra, xác minh khi có yêu cầu và sẽ công khai khi cần thiết. Còn việc công khai đến đâu, sẽ do các cơ quan có trách nhiệm quyết định.

PV: Như vậy, sau đợt kê khai này, còn có đợt “kê khai bổ sung”?

Đồng chí Trần Văn Truyền: Không phải là đợt “kê khai bổ sung” như nhiều người nghĩ. Chính vì hiểu như vậy mà một số cán bộ kê khai không đầy đủ, hoặc tìm cách giấu diếm, để vợ, con, anh em bà con đứng tên giùm nhiều tài sản. Như tôi đã nói, khi đã xác lập được hồ sơ pháp lý kê khai ban đầu của cán bộ, công chức, cơ quan quản lý sẽ lấy số liệu này làm căn cứ để đối chiếu với đợt kê khai sau này. Cụ thể, sang năm 2009 sẽ thực hiện kê khai hàng năm. Nếu phát hiện có chênh lệch so với bản kê khai ban đầu thì cán bộ đó phải giải trình rõ nguồn gốc phát sinh thêm tài sản này. Giải trình không rõ, có nghĩa là không trung thực với tổ chức và phải bị xử lý kỷ luật.

PV: Nhiều cán bộ cho rằng, có thể giấu diếm, không kê khai tài sản lúc này để vài năm sau về hưu, coi như “an toàn”?

Đồng chí Trần Văn Truyền: Hồ sơ kê khai tài sản được theo dõi, quản lý theo cả một quá trình, ngay cả khi cán bộ đó nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác sang ngành khác, địa phương khác. Trong trường hợp đã về hưu mà phát hiện có tài sản bất minh, không giải trình được, lúc đó cơ quan pháp luật cũng sẽ căn cứ theo luật hiện hành để xử lý./.

(SGGP) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất