Chiều 9/11, tại thành phố Đà Nẵng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì cuộc họp báo thông tin tới báo chí kết quả Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 đã diễn ra trong Khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Thông qua nhiều sáng kiến quan trọng
Thông tin tại họp báo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết sau ba phiên họp, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế đã thành công tốt đẹp. Kinh tế thế giới và khu vực đặc biệt đang có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh này, APEC đã tiếp tục phát huy vai trò là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực; khẳng định tính linh hoạt, khả năng thích ứng cao trong tình mới.
Trong năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cùng với các nền kinh tế thành viên của APEC thực hiện chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đăp tương lai chung;” đồng thời đề ra bốn ưu tiên. Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến, ý tưởng hợp tác đã được đề xuất, triển khai.
Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế là dịp để các bộ trưởng nhìn lại các kết quả hợp tác trong APEC trong năm qua tại Việt Nam, thông qua các hội nghị bộ trưởng, phiên thảo luận về các vấn đề liên quan đến tăng trưởng kinh tế; hướng tháo gỡ nút thắt về tăng trưởng, liên kết còn tồn tại. Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế đã hoàn thành các văn bản để trình lên lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC trong những ngày tới.
Thông tin về kết quả nổi bật của Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới và khu vực còn nhiều bất định, khó khăn, các bộ trưởng đã khẳng định quyết tâm duy trì đà hợp tác, liên kết của APEC. Với quyết tâm này, các bộ trưởng đã thảo luận nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy thương mại tự do, thuận lợi hóa đầu tư khu vực bằng cách thực hiện các mục tiêu Bogor; đẩy mạnh tăng trưởng chất lượng; tăng cường kết nối đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng; cải cách cơ cấu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tăng tính tự cường của các cộng đồng; chú trọng nâng cao năng lực liên kết kinh tế quốc tế cho các thành viên. Đồng thời, các đại biểu dự Hội nghị cũng hoan nghênh nỗ lực của các thành viên trong việc triển khai Tuyên bố Lima, hướng tới thành lập khu vực tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương và thực hiện hiệu quả kế hoạch hợp tác dài hạn của diễn đàn.
Các bộ trưởng đã thảo luận và nhất trí APEC cần tạo động lực mới để tiếp tục đóng góp vào việc duy trì châu Á-Thái Bình Dương, là động lực của tăng trưởng liên kết kinh tế toàn cầu trước xu thế mới về công nghệ toàn cầu hóa, kết nối sâu rộng hiện nay.
Các bộ trưởng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu, nâng cao năng suất; hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm; trang bị các kỹ năng mới cho người lao động thích nghi, thích ứng với việc làm trong thời kỳ kinh tế số; ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo an ninh lương thực; phát triển nông nghiệp và nông thôn ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, các bộ trưởng đã thông qua nhiều sáng kiến quan trọng có ý nghĩa thiết thực. Đáng chú ý là khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới; chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa phát triển bền vững, sáng tạo; kế hoạch hành động về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu giai đoạn 2018-2020; chương trình hành động về phát triển nông thôn, đô thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng.
Các bộ trưởng đã thống nhất nhiều văn kiện mang tính định hướng cho hợp tác APEC để trình lên các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC trong những ngày tới. Trong đó, nhiều văn kiện được xây dựng, thông qua trong năm nay liên quan đến các nội dung hợp tác thiết thực như thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm các các nền kinh tế APEC phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; mở ra các tiềm năng phát triển mới cho khu :vực thông qua việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác giáo dục; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân nữ và thanh niên đóng góp vào việc phát triển kinh tế, thụ hưởng các lợi ích của thương mại tự do và tăng trưởng. Các bộ trưởng nhất trí về sự cần thiết tiếp tục duy trì quá trình thảo luận về các định hướng hợp tác mới cho APEC. Việc thông qua các văn kiện là một dấu ấn của hợp tác APEC trong năm 2017.
Đồng chủ trì Họp báo, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Việt Nam, các nền kinh tế APEC mà còn đối với cộng đồng quốc tế nói chung. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, tuy có nhiều ý kiến quan điểm khác nhau, nhưng các Bộ trưởng vẫn cùng nhau đi đến kết luận chung, phản ảnh đầy đủ và thống nhất, mang lại lợi ích cho các nền kinh tế APEC. Hội nghị đã thể hiện quyết tâm cũng như tinh thần đóng góp tích cực của Việt Nam đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như toàn cầu. Những nội dung thảo luận tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế có ý nghĩa trọng tâm, nền tảng để các nhà lãnh đạo APEC thông qua. Những nội dung này phản ánh sự quan tâm đa dạng của các nền kinh tế APEC.
Theo ông Trần Tuấn Anh, những sáng kiến của chủ nhà Việt Nam tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế được các nền kinh tế APEC đánh giá cao, phản ánh quan điểm hội nhập quốc tế tích cực của Việt Nam.
Đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực
Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN đề nghị cho biết những đóng góp của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế lần thứ 29 cho việc thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung.” Chủ đề này bao hàm tất cả ý nghĩa của việc phải làm sao tạo động lực đóng góp vào tăng trưởng.
Trên thực tế trong năm 2017 đã diễn ra tám hội nghị và đối thoại cấp bộ trưởng bàn về các chủ đề từ kinh tế, tài chính đến những vấn đề lao động, việc làm, xã hội... Những chủ đề đó khi đưa ra cuộc họp và thảo luận, đi đến các văn kiện đều liên quan tới các vấn đề như nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, khởi nghiệp sáng tạo, tạo thuận lợi hóa cho thương mại điện tử, kết nối các chuỗi cung ứng phát triển bao trùm, kinh tế tài chính và xã hội, nỗ lực tăng cường kết nối, phát triển cơ sở hạ tầng, liên kết kinh tế sâu rộng, tạo cơ hội cho đầu tư, thuận lợi trong thương mại. Tất cả những điều đó đều là những biện pháp đóng góp vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Liên quan đến những văn kiện được trình lên lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC 2017 đã thông qua, những văn kiện của các hội nghị được tổ chức trong năm 2017 liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, tài chính, xã hội, việc làm. Cụ thể, Hội nghị đã thông qua bốn văn kiện đó là: Khuôn khổ thuận lợi và thương mại, thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới; Chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bền vững và sáng tạo; Kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu giai đoạn 2018-2020 và Chương trình phát triển nông thôn, đô thị.
Các bộ trưởng cũng thống nhất với nhau có các văn kiện, định hướng về tầm nhìn, phương hướng phát triển của APEC để trình lên Hội nghị Cấp cao xem xét trong vài ngày tới.
Việc APEC 2017 chưa thông qua được Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố Lima về khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đến lúc này chưa thông qua được Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố Lima về khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong các chương trình hành động của APEC.
Trong rất nhiều diễn đàn, khuôn khổ hợp tác của năm 2017, các nền kinh tế của APEC đều nghiên cứu, phối hợp, cùng nhau xây dựng và xác định ra những nội dung cơ bản và ưu tiên để đưa vào Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố Lima về khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc xây dựng một chương trình hành động cụ thể để thực thi Tuyên bố Lima có nội dung, lĩnh vực nội hàm ưu tiên để thống nhất thông qua là không hề đơn giản đối với cả 21 nền kinh tế thành viên APEC. Tuyên bố này có ý nghĩa rất quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tại bốn châu lục, với các nền kinh tế có mức độ, trình độ phát triển kinh tế, xã hội khác nhau đồng thời có những mối ưu tiên, quan tâm đa dạng và ở nhiều lĩnh vực.
Trên thực tế, mặc dù Tuyên bố Lima có cơ hội rất lớn nhưng còn nhiều khoảng cách trong lựa chọn, danh mục, lĩnh vực, nội dung cụ thể để cụ thể hóa kế hoạch hành động này. Chính vì vậy, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế quyết định sẽ dành thêm thời gian tiếp tục thảo luận, làm rõ trên cơ sở đồng thuận về những nội dung, chương trình ưu tiên của mỗi nền kinh tế thành viên.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì cuộc họp báo đã trả lời một số câu hỏi báo chí quan tâm./.
(TTXVN)