Hoạt động này diễn ra bên lề Hội nghị Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 3 (ABAC) diễn ra ngày 26/7 tại thành phố Toronto, Canada.
Theo ông Beck, các nước thành viên và các CEO thành viên ABAC đã cùng nhau xây dựng nghị trình, đưa ra các kiến nghị thay đổi chính sách, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong toàn bộ khu vực APEC, để gửi tới các nhà lãnh đạo APEC trong hội nghị diễn ra vào tháng 11 tới ở Đà Nẵng (Việt Nam).
[Đà Nẵng chuẩn bị chu đáo cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017]
Ông nêu rõ có tới 98% số doanh nghiệp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có quy mô vừa và nhỏ (SMEs), do đó cần tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này và tăng cường khả năng phát triển của họ ở trong nước, đồng thời tìm cách đa dạng hóa các doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển.
Trong số các chủ đề được thảo luận tại ABAC lần này, chủ đề mà ông Beck cho là quan trọng nhất là chính sách thúc đẩy sự phát triển của các SMEs, cụ thể là việc xây dựng cơ chế hình thành các doanh nghiệp, khởi nghiệp kinh doanh và tuyển dụng lao động tại địa phương.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng toàn cầu hóa là một tiến trình quan trọng, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ.
Chủ tịch kiêm CEO Quỹ châu Á-Thái Bình Dương Canada đặc biệt ủng hộ thương mại điện tử, coi đây là nền tảng cho phép SMEs buôn bán hàng hóa xuyên biên giới. Thương mại điện tử ở Trung Quốc đang tạo ra hàng nghìn tỷ USD cho nước này.
Đối với Việt Nam, thương mại điện tử giúp các SMEs xuất hàng sang các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hay Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng chính phủ các nước cần hiểu rõ quy trình thương mại điện tử và có những quy định cần thiết để khuyến khích, thay vì ngăn cản hình thức thương mại này.
Đây cũng chính là một trong những khuyến nghị sẽ được các thành viên ABAC thảo luận với các nhà lãnh đạo APEC vào cuối năm nay, nhằm chứng minh rằng thương mại điện tử sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế./.