Chủ Nhật, 29/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 20/4/2014 10:1'(GMT+7)

Khắc phục "ba thiếu", góp phần xóa đói, giảm nghèo

Mô hình trồng rau sạch ở bản Bánh, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên (Điện Biên).

Mô hình trồng rau sạch ở bản Bánh, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên (Điện Biên).


Nhận thức "Hội viên có mạnh thì Hội mới vững", Hội LHPN tỉnh không ngừng đẩy mạnh công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, góp phần tích cực giúp hội viên phát triển kinh tế hộ, xóa đói, giảm nghèo.

Xác định rõ nguyên nhân nghèo đói chủ yếu là do thiếu vốn, thiếu việc làm và thiếu kiến thức, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tìm kiếm việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến từng hội viên nhằm khắc phục "ba thiếu" trên. Hiện nay, hội đang duy trì, quản lý 544 tổ tiết kiệm và vay vốn, cho gần 19 nghìn hội viên vay với tổng số tiền gần 378 tỷ đồng, chiếm 26,63% tổng dư nợ ủy thác toàn tỉnh, tăng gần 60 tỷ so với năm 2012. Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên Hà Thị Tươi cho biết: "Vấn đề giải phóng sức lao động với phụ nữ vùng cao được các cấp hội phụ nữ đặc biệt quan tâm bằng nhiều hoạt động. Do trình độ nhận thức của chị em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, do phong tục, tập quán lâu đời, nhiều chị bị đối xử không công bằng, sức khỏe giảm sút do sinh nhiều con, lao động thủ công vất vả, không có nguồn vốn, chưa biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Từ các hoạt động, phong trào, nhận thức của chị em được nâng cao, hiểu quyền lợi, nắm bắt làm chủ khoa học kỹ thuật, tiến tới tự tin, tự chủ vào chính mình".

Bên cạnh đó, hội tập trung triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015" nhằm trang bị cho chị em tay nghề, nắm bắt khoa học - kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi, sản xuất, giảm được sức lao động, hiệu quả kinh tế lại cao. Trong quá trình thực hiện, các cấp hội đều tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề cần thiết, phù hợp tình hình thực tế tại các huyện, thị xã, thành phố để mở các lớp dạy nghề.

Mỗi năm có hàng trăm phụ nữ được học các nghề: cắt may, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng, phòng bệnh trên lúa, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ hội các cấp. Để có mô hình trực quan, giúp chị em phụ nữ vừa học, vừa thực hành, hội đã triển khai dự án phát triển sản xuất giống lúa chất lượng cao tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên và xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo. Phối hợp Chi cục Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện Điện Biên thành lập hai câu lạc bộ trồng rau, một câu lạc bộ bảo quản thuốc bảo vệ thực vật. Qua quá trình kiểm tra, đánh giá hiệu quả của lớp dạy nghề, có hơn 90% chị em phụ nữ áp dụng khoa học - kỹ thuật sau khi tốt nghiệp, cho thu nhập cao từ cánh đồng, vườn rau của gia đình.

Không dừng lại, các cấp hội tích cực tìm tòi mô hình sản xuất mới, các hướng đi phù hợp điều kiện thực tế ở địa phương, khả năng tham gia mô hình của hội viên, nhằm tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ chị em vươn lên làm giàu chính đáng. Từ đó, qua quá trình lao động sản xuất, hội viên đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chuyển đổi hình thức đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng mô hình có hiệu quả như: nuôi gà đen và thêu thổ cẩm (huyện Tủa Chùa); nuôi dê (Điện Biên Đông); nuôi cá, sản xuất lúa cao sản, thêu thổ cẩm dân tộc Thái (Điện Biên); trồng cà-phê (Tuần Giáo)...

Các mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho bản thân hội viên trực tiếp tham gia mà còn góp phần giải quyết lao động tại chỗ, nhất là phụ nữ địa phương, con em hội viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, tỷ lệ hội viên nghèo giảm mạnh. Các chị em có điều kiện tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, đưa phong trào phụ nữ ngày càng triển khai sâu rộng, hiệu quả.

Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Điện Biên Đông Lại Thị Hải cho biết: "Cái khó là làm thế nào để thay đổi tư duy chăn nuôi, sản xuất manh mún của hội viên, hướng dẫn chị em áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi đã tích cực xây dựng mô hình điểm, nhân rộng cách làm hay của hội viên, giảm thiểu chi phí trong sản xuất, để chị em nhìn thấy "người thực, việc thực" mà làm theo. Đó cũng là yếu tố cơ bản giúp phụ nữ Điện Biên Đông thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Tới các chi hội phụ nữ của tỉnh Điện Biên hôm nay, không khó khi tìm gặp các hội viên phụ nữ sở hữu những mô hình chuyển đổi cho thu nhập đạt hơn 100 triệu đồng/năm.

Hội viên Lò Thị Xiêng (Háng Lìa, Điện Biên Đông) là một hội viên điển hình. Năm 2004, từ nguồn vốn năm triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn... Hiện nay, gia đình chị có hơn 40 gia súc, hàng trăm gia cầm, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Chị Xiêng tâm sự: "Cán bộ hội tư vấn cho tôi xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại, áp dụng khoa học vào chăn nuôi". Còn chị Bạc Thị Hợi, hội viên phụ nữ bản Đông, thị trấn Tuần Giáo cho biết: "Trước đây gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Được sự động viên, trợ giúp của hội phụ nữ, tôi mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ quỹ hội đầu tư nuôi lợn. Lứa lợn đầu tiên bán được 40 triệu đồng, tôi mua máy xay xát phục vụ nhu cầu gia đình và bà con trong bản. Tích cóp một thời gian, có tiền, tôi tiếp tục đầu tư, mở rộng chăn nuôi lợn, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Tôi không ngần ngại khi giúp tiền, con giống không lấy lãi để chị em trong bản có cơ hội phát triển kinh tế gia đình".

Với tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no", các cấp hội duy trì tốt phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giúp phụ nữ nghèo, hộ đói nghèo do phụ nữ làm chủ hộ với gần 16 nghìn công lao động, hơn 16 nghìn kg gạo, thóc ngô, hơn 7.000 con giống và cho vay không lấy lãi hơn một tỷ đồng. Sự động viên, khích lệ kịp thời ấy như một chỗ dựa vững chắc cho bao cảnh đời phụ nữ nghèo, bất hạnh nơi vùng sâu, vùng xa gian khó, vững tin, vượt qua khó khăn, xóa đói, giảm nghèo.

THÁI SƠN/NhanDan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất