Thứ Hai, 25/11/2024
Đời sống
Thứ Hai, 22/8/2016 14:29'(GMT+7)

Khắc phục thiệt hại sau bão số 3 tại Phú Thọ

Bất chấp nguy hiểm, người dân phường Phong Châu (Phú Thọ) vẫn xuống sông vớt củi. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Bất chấp nguy hiểm, người dân phường Phong Châu (Phú Thọ) vẫn xuống sông vớt củi. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN


Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh và các ban, ngành liên quan đã xuống hiện trường kiểm tra công tác ứng phó với ngập úng, các khu vực lũ quét, sạt lở đất, các bến đò, ngầm, tràn qua sông, suối, ngò; đồng thời chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các xã thống kê thiệt hại và huy động lực lượng khắc phục hậu quả để ổn định đời sống của nhân dân.

Các huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Sơn đã huy động lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, công an xã… phối hợp cùng người dân vận chuyển tài sản đến nơi an toàn. Ở xã Phương Xá, huyện Cẩm Khê nước lũ lên cao có nguy cơ tràn đê bao, đê bối. Xã đã huy động tối đa nguồn lực để đắp đê, chống tràn. Ở huyện Hà Hòa, sạt lở kè đê Hữu Thao tại xã Minh Côi, rò cống qua đê (cống Đầm Trì) tại xã Lâm Lợi, tràn đê ngòi Vần tại xã Hiền Lương, sạt lở đường tỉnh 320 và tràn đê tả Thao tại xã Y Sơn, sạt lở đường tỉnh 320 tại khu 5 xã Lạng Sơn…

Quân khu 2 đã huy động gần 400 cán bộ, chiến sỹ và gần 1.500 dân quân phối hợp với các lực lượng của địa phương giúp đỡ nhân dân sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn; tập trung cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích. Tại huyện Hạ Hòa, lãnh đạo Quân khu 2 chỉ đạo huy động 100% cán bộ, chiến sỹ tham gia giúp đỡ người dân di chuyển tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời củng cố hệ thống đê ngăn lũ trên các tuyến sống trọng yếu, dọn dẹp vệ sinh môi trường…

Kiểm tra thực tế tại các địa phương bị thiệt hại nặng do mưa bão gây ra, ông Hoàng Dân Mạc - Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ yêu cầu các địa phương tích cực chủ động hơn nữa trong việc huy động lực lượng, phương tiện vật tư phòng chống mưa lũ. Đặc biệt, phải có phương án cụ thể để xử lý khi có tình huống phát sinh; chủ động phối hợp với ngành điện bảo đảm điện lưới phục vụ bơm tiêu úng kịp thời. Cùng với đó, tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác tại các tuyến đê xung yếu, đặc biệt là các cống dưới đê, chú trọng công tác báo cáo để phát hiện sớm và xử lý kịp thời những tình huống xấu có thể xảy ra.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ tập trung kiểm tra, đánh giá chất lượng hệ thống đê điều, hồ đập, các công trình phòng chống thiên tai; quản lý, giám sát chặt chẽ các hồ chứa, nhất là các hồ chứa đã đầy nước, các hồ chứa xung yếu; tập trung bơm tiêu cứu úng cho cây trồng. Đối với những thiệt hại ở từng địa phương, đồng chí Hoàng Dân Mạc yêu cầu địa phương cùng ngành liên quan tiến hành các biện pháp xử lý trước mắt, đồng thời kiểm tra, lập báo cáo tỉnh và các ban, ngành liên quan có phương án bổ sung, giải pháp lâu dài nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất