Tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước là 53.887 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực: đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua và vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.
Trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ rõ: Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ cấu nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục được cải thiện theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.
Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về tự chủ tài chính. Kết quả tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính của các bộ ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỷ đồng. Một số đơn vị có kết quả cao như: thành phố Hà Nội là 1.173 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh là 1.220 tỷ đồng...
Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, cả nước đã thực hiện chuyển dịch gần 20 nghìn ha đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp; kiểm tra xử lý thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích trên 10 nghìn ha. Công tác thẩm định, giải quyết hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản luôn bám sát và tuân thủ quy định của pháp luật; nguồn thu từ khai thác khoáng sản năm 2022 là 4.115 tỷ đồng.
Trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước, năm 2022, các bộ, ngành Trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương, 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ. Các địa phương giảm 7 sở và 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Lũy kế đến nay, 63 tỉnh/thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương. Cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Tinh giản biên chế giảm 79.057 người ( chiếm 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 - 2021).
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg về Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 với 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp để thực hiện.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngoài ra, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý và sử dụng đất đai; đầu tư công; quản lý kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ; việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa...
Sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá, phân tích, làm rõ mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức; chưa đánh giá đầy đủ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và trách nhiệm.
Năm 2022 là năm đầu thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chính phủ đã có báo cáo tình hình triển khai. Tuy nhiên, báo cáo chưa làm rõ những kết quả, chuyển biến so với thời điểm Quốc hội chưa ban hành Nghị quyết, nhất là việc thu hồi đất đã giao nhưng chưa đưa vào sử dụng, sử dụng sai mục đích; việc khắc phục các bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên tái chế, năng lượng tái tạo; quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên số, băng tần số vô tuyến điện, kho số viễn thông, cơ sở dữ liệu...
Về tồn tại, hạn chế, lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, báo cáo thẩm tra chỉ rõ, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Việc phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chưa bảo đảm tiến độ quy định. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số bộ, ngành, địa phương chưa đạt mục tiêu.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội (ngày 11/1/2022) ban hành nhiều chính sách, giải pháp với thời gian thực hiện chủ yếu trong năm 2022 và 2023 nhằm mục tiêu nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến ngày 31/12/2022, kết quả giải ngân các chính sách hỗ trợ mới đạt hơn 78,3 nghìn tỷ đồng (bằng 26% tổng số vốn).
Đáng chú ý, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia rất chậm và còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước. Việc triển khai, giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, làm lãng phí nguồn lực...
Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn; tập trung hoàn thành các chuẩn mực kế toán, phương pháp thống kê, thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng, tới năm 2025 cơ bản hoàn thành các chuẩn mực kế toán và công khai Báo cáo tài chính nhà nước.
Chính phủ cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, nghiên cứu, có giải pháp mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp...
Phan Phương (TTXVN)