Thứ Năm, 12/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 24/5/2023 14:42'(GMT+7)

Khai mạc Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023

Đồng chí Trần Hồng Hà- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chào mừng diễn đàn.

Đồng chí Trần Hồng Hà- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chào mừng diễn đàn.

Sáng ngày 24/5 tại Hà Nội, Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam-Châu Á 2023 (Vietnam-Asia DX Summit 2023) khai mạc với chủ đề: "Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế." Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Diễn đàn diễn ra trong hai ngày 24 - 25/5, gồm 6 phiên hội nghị chuyên đề, triển lãm nền tảng giải pháp số, và hoạt động kết nối giao thương, với hơn 2.000 lượt đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. 

Phát biểu chào mừng diễn đàn, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết: Dữ liệu là nguồn tài nguyên vô tận thúc đẩy sáng tạo và trí tuệ con người. Đây là nguồn tài nguồn xanh giúp phục hồi tài nguyên thiên nhiên. Nhưng để khai thác dữ liệu thì cần có vào cuộc không chỉ Chính phủ mà còn các cơ quan, doanh nghiệp.

Chính phủ dẫn đường nhưng tư duy khoa học công nghệ phải từ doanh nghiệp. Chỉ có doanh nghiệp, nhà khoa học mới đóng góp tốt nhất cho xây dựng khuôn khổ chính sách về dữ liệu, kinh tế số vì họ là người trong cuộc, nhìn ra được những khó khăn hay xu hướng mới.

Đồng chí Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng số; đảm bảo an toàn thông tin mạng; xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong lĩnh vực công nghệ số cung cấp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư,  chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030," Việt Nam đã có 3 năm chuẩn bị, nỗ lực, thử nghiệm và tăng tốc quá trình chuyển đổi. Đến nay, Chuyển đổi số tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tạo ra những kết quả thực chất, những giá trị thiết thực cho phát triển kinh tế, xã hội.

Năm 2022, diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức ở quy mô khu vực với 5 hoạt động, 22 phiên hội thảo, dự kiến thu hút 3 ngàn đại biểu khách mời tham dự trực tiếp và trên 10 ngàn đại biểu theo dõi trực tuyến.

Khai mạc Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2023 - Ảnh 1.
Quang cảnh Diễn đàn sáng ngày 24/5 tại Hà Nội.

Diễn đàn được mở rộng quy mô khu vực với các phiên chuyên đề chuyên sâu của tổ chức doanh nghiệp từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực như: Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản,...

Điểm mới của diễn đàn năm nay là đào tạo phổ biến chuyển đổi số. VINASA sẽ tổ chức 3 chương trình đào tạo bao gồm: Chuyển đổi số doanh nghiệp SMEs; Chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất và Chương trình đặc biệt Nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức. Bên cạnh đó, diễn đàn sẽ thêm một chuyên đề lớn "Phát triển doanh nghiệp số" với 5 phiên hội thảo chuyên sâu.

Năm 2023 được khẳng định là Năm Dữ liệu số quốc gia, là năm phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số - đã ban hành kế hoạch hành động trọng tâm cho Năm Dữ liệu số.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phê duyệt kế hoạch triển khai "Năm Dữ liệu số quốc gia" với các hoạt động nhằm thúc đẩy quản trị dữ liệu trên môi trường số. Theo đó, tập trung vào các mục tiêu lớn như sau: 100% bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục; Trên 50% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% bộ, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (NDXP/LGSP). 

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (National Data Exchange Platform - Viết tắt: NDXP) được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương.

Đến nay, nền tảng NDXP đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị; trong đó có 85 LGSP (Nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung cấp tỉnh) của bộ, ngành, địa phương; 10 cơ sở dữ liệu và 08 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong năm 2022 là 876 triệu giao dịch tăng 4,86 lần so với năm 2021. Trung bình 1 ngày có 2,4 triệu giao dịch.

Muốn tạo lập được dữ liệu số thì phải có hạ tầng số, nền tảng số và hệ thống các dịch vụ số được kết nối, chia sẻ và liên thông với nhau. Qua đó, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia, bước đầu tạo nên bức tranh tổng thể về các địa phương, các vùng, các Bộ, Ban, Ngành.

Cùng với việc tạo lập dữ liệu, muốn khai thác dữ liệu số hiệu quả, tạo ra những giá trị mới, tạo đột phá trong phát triển kinh tế số - xã hội số, phải có những mô hình, kế hoạch hợp tác cụ thể để chia sẻ và cùng khai thác dữ liệu số. Đây chính là khâu cần đến sự tăng cường hợp tác giữa các bên.

Tham dự của gần 600 đại biểu đến từ các khối nhà nước, khối tư nhân trong và ngoài nước, cùng đội ngũ các chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - chuyển đổi số.

Đề cập đến chủ đề này tại Diễn đàn Vietnam-Asia DX Summit 2023, nhiều đại biểu dự diễn đàn cho rằng để khai thác dữ liệu số hiệu quả, các chính quyền địa phương phải "cởi mở," sáng tạo và linh hoạt hơn trong chính sách quản lý dữ liệu; cùng hợp tác, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số một cách thông minh để nhanh chóng có những mô hình quản trị mới giải quyết bài toán của địa phương, tạo ra dịch vụ mới, mô hình kinh tế số mới cho địa phương. Từ đó, thúc đẩy liên kết vùng trong dữ liệu số.

Đồng chí Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA chia sẻ tại sự kiện, để thúc đẩy tiến trình này, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia. Chiến lược là phương pháp luận và kế hoạch tạo, kết nối và dùng dữ liệu để đạt mục tiêu thúc đẩy kinh tế xã hội với những sự chuẩn bị nhân lực, kiến trúc dữ liệu và mô hình quản trị dữ liệu. Đây sẽ là kim chỉ nam cho tạo lập và khai thác dữ liệu số mang lại những giá trị lớn cho kinh tế, tại Việt Nam.

Tại hội nghị, đại diện các Tập đoàn công nghệ lớn Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, MISA, FSI đã chia sẻ những mô hình kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp và chính quyền trong tạo lập và khai thác dữ liệu số, đưa ra những dịch vụ số cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Các đại biểu quốc tế cũng chia sẻ những mô hình hợp tác hữu ích.

Các đại biểu dự diễn đàn tham quan các hoạt động triển lãm.

Đồng chí Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA cho biết: "Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số kỳ vọng và luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ,  các địa phương, các Ban, Bộ, Ngành, các tổ chức để chung tay: Một, tư vấn, góp ý xây dựng một hành lang pháp lý thông thoáng, chiến lược dữ liệu bài bản; Hai là tham gia xây dựng những hạ tầng dữ liệu số tiên tiến, hiện đại, hiệu quả; Ba là hỗ trợ kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương, các cơ quan, ban, ngành; Bốn là xây dựng mô hình và hợp tác khai thác dữ liệu nhằm tạo ra những dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế - xã hội."

Theo dữ liệu số trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu đến năm 2030, hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ban Tổ chức kỳ vọng, Diễn đàn Chuyển đổi số Việt Nam-Châu Á năm nay thực sự đánh dấu bước ngoặt về tạo lập dữ liệu số trên toàn quốc, kết nối dữ liệu và khai thác nó một cách thông minh trong khuôn khổ pháp lý để xử lý các bài toán lớn, tạo ra cơ hội kinh doanh, phát triển nền kinh tế Việt Nam bền vững./.

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, xếp hạng dữ liệu mở của Việt Nam năm 2022 đứng thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2020.

Theo Vietnam – Briefing thị trường dữ liệu của Việt Nam dự kiến đạt 1,82 tỷ USD vào cuối năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường dự kiến là 5,32% trong giai đoạn 2023-2027. Đồng thời, năm 2023 đã được Bộ TT&TT xác định là "Năm dữ liệu số quốc gia" với 4 nhóm nội dung chủ yếu, bao gồm: (1) Phát triển dữ liệu mở; (2) Phát triển cơ sở dữ liệu; (3) Phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; (4) Nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu. 

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất