Thứ Tư, 18/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 12/8/2024 11:2'(GMT+7)

Khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là phiên họp chuyên đề pháp luật lần thứ 5 được tổ chức kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay.

Nhấn mạnh nhiệm vụ công tác lập pháp của Quốc hội ngày càng lớn, số lượng các luật ngày càng tăng, nhiều vấn đề khó, phức tạp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc tổ chức phiên họp chuyên đề lần này nhằm cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 10/11 dự thảo Luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, bao gồm: Luật Địa chất và khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên. Luật Phòng không nhân dân sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 36.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, 10 dự án Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp lần này thuộc nhiều lĩnh vực được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp như các dự án: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...

Tại kỳ họp thứ 7 đã có hơn 200 lượt ý kiến phát biểu, tranh luận tại Hội trường và hơn 900 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ góp ý vào các dự án Luật. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội. Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến và có tiếp thu, giải trình các dự án Luật.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tại phiên họp này, các đại biểu cần tiếp tục nghiên cứu thật kỹ, báo cáo rõ vấn đề nào đã tiếp thu, vấn đề nào chưa tiếp thu, lý do vì sao có những vấn đề còn chưa thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Các ý kiến của đại biểu cần phải được lắng nghe, phải có giải trình, tiếp thu cặn kẽ; thực hiện đúng quy định của Bộ chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu tham dự phiên họp phát biểu rõ quan điểm chính kiến khách quan, không né tránh những vấn đề có nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Trước đó, Ủy ban Thường Vụ Quốc hội đã dự kiến phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 gồm:

Ngày 12/8, sau khi Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 4 dự thảo luật: Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công đoàn (sửa đổi).

Ngày 13/8, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Tư pháp người chưa thành niên; cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các nội dung thuộc thẩm quyền./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất