Sáng 10/1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành
Phiên họp thứ 20, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim
Ngân.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Phiên
họp thứ 20 diễn ra trong một ngày rưỡi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem
xét và cho ý kiến về nhiều nội dung, trong đó cho ý kiến về một số vấn
đề còn ý kiến khác nhau của 3 dự án luật, gồm: Luật Quốc phòng (sửa
đổi), Luật An ninh mạng, Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; cho ý
kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi
tiết một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015; xem xét việc điều
chỉnh cơ cấu sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 do Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đối với dự án Hệ thống thủy
lợi Tà Pao, tỉnh Bình Thuận và dự án hồ chứa nước Kroong Pách thượng,
tỉnh Đắk Lắk.
Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về công
tác triển khai, việc phân công chuẩn bị Hội nghị thường niên lần thứ 26
Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26).
Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân,
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết quy
định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015. Tại đây,
Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý ban hành nghị quyết, do nghị
quyết có nội dung không thuộc thẩm quyền ban hành.
Cụ thể, một trong những đề xuất của Kiểm toán Nhà nước khi xây dựng dự
thảo nghị quyết là quy định chi tiết việc xử lý vi phạm pháp luật về
kiểm toán nhà nước tại Điều 71 của Luật Kiểm toán Nhà nước.
“Chỉ tính riêng năm 2017 có 121 trường hợp không cung cấp tài
liệu dẫn tới các đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán
được nội dung theo kế hoạch”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc
cho biết.
Ông Hồ Đức Phớc cũng dẫn thực tế, số kiến nghị kiểm toán của Kiểm
toán Nhà nước không được các đơn vị thực hiện còn cao (năm
2015 có 35,7% kiến nghị về tài chính tương ứng 8.179 tỷ đồng;
năm 2016 có 24,4% kiến nghị về tài chính tương ứng 5.097 tỷ
đồng chưa được các đơn vị thực hiện)… làm thất thu ngân sách
nhà nước, giảm hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của
pháp luật.
Nguyên nhân được chỉ ra là do hệ thống pháp luật về Kiểm toán Nhà
nước ở nước ta hiện nay chưa đầy đủ và đồng bộ, còn thiếu các quy định
về chế tài, trong đó chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể
về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước.
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan
điểm, chỉ Quốc hội mới có quyền ban hành quy định thẩm quyền xử phạt
hành chính. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ban hành nghị quyết
có nội dung quy định thẩm quyền xử phạt hành chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng,
việc xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến quyền tài sản, quyền
con người, nên phải điều chỉnh bằng luật do Quốc hội ban hành, không
phải bởi nghị quyết do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh,
Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ban hành nghị quyết theo đề nghị của
Kiểm toán Nhà nước có nội dung quy định thẩm quyền xử phạt hành chính.
Kiểm toán Nhà nước cần tổng kết, rà soát lại tất cả các nội dung của
luật hiện hành, trình Quốc hội sửa Luật Kiểm toán Nhà nước vào thời điểm
thích hợp.
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh cơ cấu
sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 do Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn quản lý đối với dự án Hệ thống thủy lợi Tà Pao,
tỉnh Bình Thuận và dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng, tỉnh Đắk Lắk.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải
trình, Dự án bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho dự án Hệ thống thủy lợi
Tà Pao được phê duyệt từ năm 2008, đến nay đã 9 năm. Các chính sách, chế
độ có nhiều thay đổi làm cho tổng mức đầu tư tăng cao dẫn đến số vốn đã
được bố trí 470 tỷ đồng không đủ để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tổng số vốn cần bổ sung cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở dự án này
là 170 tỷ đồng. Từ đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị
cắt giảm một số nội dung trong hợp phần xây dựng để chuyển 170 tỷ đồng
sang hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội rất ủng hộ việc thực hiện các công trình thủy lợi để phục vụ các
hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, việc triển khai
thực hiện 2 dự án nêu trên là chưa kịp thời, cần có giải pháp để giải
quyết dứt điểm, chặt chẽ, bởi nếu lấy tiền xây dựng sang đền bù thì sẽ
thiếu tiền xây dựng, dẫn tới công trình tiếp tục bị chậm tiến độ. Chủ
tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ điều chỉnh tăng tổng mức đầu
tư là bao nhiêu, lý do tăng tổng mức đầu tư..., sau đó trình Ủy ban
Thường vụ Quốc hội một lần để hoàn thành sớm công trình, sớm có nguồn
nước phục vụ nhân dân.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh,
việc hoàn thành hai công trình thủy lợi là cần thiết. Ủy ban Thường vụ
Quốc hội thống nhất, việc điều chỉnh vốn đầu tư từ hợp phần xây lắp sang
hợp phần đền bù là chưa có đủ căn cứ để điều chỉnh. Ủy ban Thường vụ
Quốc hội giao Chính phủ rà soát lại, thực hiện đúng Điều 79 và Điều 81
của Luật Đầu tư công; đánh giá lại và tiến hành kiểm tra dự án, xem xét
về mặt quy mô, về tổng vốn đầu tư và có điều chỉnh chính thức, sau đó
báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng mức đầu tư, quy mô, thời gian
hoàn thành, tại phiên họp gần nhất.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần rà soát
lại tất cả các công trình thủy lợi khác cũng trong tình trạng này, có
báo cáo tổng thể với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp gần nhất./.
(TTXVN)