(TG) – Nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024) và 55 năm Ngày mất của Người (2/9/1969-2/9/2024), ngày 30/8, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức triển lãm cấp quốc gia “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị và sức sống trường tồn”.
Phát biểu khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa 55 năm, song di sản tư tưởng, tinh thần lớn lao của Người vẫn luôn soi đường dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước đi đến thắng lợi. Một trong số những di sản đó chính là Bản Di chúc lịch sử - lời dặn lại đầy tâm huyết, tiếng nói khiêm nhường của một người cộng sản, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và thời đại, có giá trị vượt không gian và thời gian.
Bản Di chúc (hay còn gọi là Tài liệu "Tuyệt đối bí mật") được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian dài, từ năm 1965 đến năm 1969, tại ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch. Những lời Người dặn lại là những vấn đề quan trọng, cần thiết phải làm, nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo cách mạng của một Đảng cầm quyền, đồng thời đưa đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chung, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là dịp để chúng ta tiếp tục đọc lại và suy ngẫm những lời tâm huyết cuối cùng của Người trước lúc đi xa. Với lòng tôn kính và biết ơn sâu sắc đối với Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; ra sức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh theo tâm nguyện Di chúc của Người; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.
Với hơn 200 tài liệu, hình ảnh, biểu đồ được lựa chọn trưng bày, nội dung triển lãm được bố cục thành 3 phần: tiểu sử, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Di chúc – Bảo vật quốc gia; 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một góc trưng bày tại Triển lãm
Qua đó, Triển lãm giúp người xem hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất; hiểu hơn về hoàn cảnh ra đời và quá trình viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nội dung cốt lõi cũng như giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng với đó là quá trình toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện Di chúc của Người trong 55 năm qua với những thành tựu lớn lao, những bài học kinh nghiệm quý báu, tiếp tục được phát huy trong giai đoạn cách mạng mới.
Đó là bài học về tinh thần lạc quan và bản lĩnh khoa học cách mạng của Đảng; bài học về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; bài học về thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; bài học về sự quan tâm đặc biệt sâu sắc tới thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước; bài học về chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; bài học về tinh thần cống hiến cho lý tưởng cách mạng.
Các đại biểu tham quan triển lãm.
Triển lãm cũng là dịp để công chúng được tiếp cận nguồn tài liệu, hình ảnh có giá trị đặc biệt đối với các công trình nghiên cứu về Bảo vật quốc gia – Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó vừa là niềm tự hào vừa là động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ban tổ chức cho biết, sau Triển lãm, các nội dung trưng bày và thuyết minh sẽ được dựng thành clip và đăng tải trên website của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, để tiếp tục tuyên truyền, phục vụ nhu cầu công chúng trong thời gian tiếp theo.
Triển lãm phục vụ tham quan từ ngày 30/8/2024 đến ngày 30/9/2024.
Bảo Châu