Thứ Bảy, 7/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 20/9/2023 9:33'(GMT+7)

Khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới cho phát triển bền vững

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Chương trình. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Chương trình. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Với 1 phiên khai mạc, 2 phiên thảo luận chuyên đề, 1 phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao, Diễn đàn đã không chỉ tập trung vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn mà còn tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.

Không phân biệt đối xử trong phân bổ nguồn lực

PGS,TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề: Khơi thông nguồn lực, phát huy năng lực nội sinh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

PGS,TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề: Khơi thông nguồn lực, phát huy năng lực nội sinh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua, tuy nhiên, có thể nhận thấy, nền kinh tế đang còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhìn vào thực tiễn phát triển kinh tế Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, có hai vấn đề lớn đặt ra. Đó là động lực tăng trưởng của nền kinh tế có xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài. Bên cạnh đó, nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn. Đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công được cải thiện rõ rệt so với các năm trước nhưng so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn còn chậm. Hiện mới đạt 39,6% kế hoạch, cho dù Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực cao độ.

Ông Trần Đình Thiên chỉ rõ, từ thực tế của hai loại nguồn lực quan trọng nhất là vốn và doanh nghiệp phản ánh dấu hiệu "bất thường" của nền kinh tế hiện nay. Tình trạng ách tắc lưu thông là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới cơ thể kinh tế bị suy yếu, tổn thương và bất ổn. Quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam còn một số nghịch lý khác như tăng trưởng GDP cao - lạm phát thấp; lạm phát thấp nhưng lãi suất cao…

Do đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, cần định hình lại cấu trúc nền kinh tế thị trường “nhất nguyên”, củng cố cơ sở thực hiện đúng đường lối “nội lực-ngoại lực” của Đảng; quan tâm phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt theo hướng “khác biệt về chức năng kinh tế, bình đẳng về tư cách thị trường”, “không xin-cho”, không phân biệt đối xử trong phân bổ nguồn lực.

Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Lê Hồng Thủy Tiên nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách đột phá nhằm tăng cường nội lực và vượt khó. Theo đó, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đưa ra đề xuất về chính sách thuế, tài chính, hỗ trợ lãi vay, dỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp; cơ chế, chính sách phát triển du lịch, chính sách cho trung tâm tài chính...

Bà Lê Hồng Thủy Tiên chia sẻ, không phải doanh nghiệp muốn “chậm lớn” mà nhiều doanh nghiệp chân chính, chịu khó đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc nhưng còn vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững. Do đó, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng các chuyên gia, các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ để tạo hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng, tránh “đổ thừa” do cơ chế để doanh nghiệp có thể thực hiện được những gì luật cho phép, thúc đẩy phát triển, đổi mới.

Tăng chất lượng nguồn nhân lực

Có thể thấy, Diễn đàn không chỉ bàn mà phải giải quyết những vấn đề trước mắt để đặt cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề trung hạn và lâu dài. Trong phát biểu đề dẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, vấn đề quan trọng mà Diễn đàn nêu ra: Nâng cao năng suất lao động là phương thức căn bản nhất để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Bởi, điều này gắn liền với việc khởi tạo hai quá trình chuyển dịch cơ bản của nền kinh tế: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn nhằm sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực; tạo hiệu ứng kinh tế quy mô, khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng doanh nghiệp, từng ngành và từng vùng kinh tế.

Ông Felix Weidencaff, chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ rõ, năng suất lao động của Việt Nam vẫn tương đối thấp so với một số nền kinh tế khác ở Đông Nam Á. Bước vào giai đoạn phát triển mới, Việt Nam cần có động lực mới về tăng năng suất lao động trong tất cả ngành nghề, khu vực. Theo đó, chuyển đổi kinh tế cần đi đôi với chuyển đổi việc làm; cách tiếp cận ở cấp vĩ mô đòi hỏi đầu tư vào con người, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực chiến lược, từ đó có động lực thay đổi mang tính chuyển đổi.

Đồng thời, ông Felix Weidencaff nhấn mạnh vai trò quan trọng của các thể chế và chính sách thị trường lao động để giải quyết thách thức kép trong duy trì tăng trưởng năng suất, đảm bảo tăng trưởng năng suất bao trùm, tạo nhiều việc làm.

Theo chuyên gia của ILO, các thể chế, chính sách cần tập trung tăng chất lượng nguồn nhân lực, cũng như khả năng tiếp cận thị trường lao động để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế tri thức, công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các chính sách chủ động về lao động có vai trò quan trọng để tạo điều kiện tiếp cận các cơ hội việc làm cho mọi người, từ đó tạo ra năng suất lao động cao hơn. Việt Nam nên thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả, phù hợp với chiến lược phát triển nguồn nhân lực và chiến lược phát triển kinh tế; đẩy mạnh nghiên cứu về tăng năng suất…

Dành nguồn lực thỏa đáng thúc đẩy chuyển đổi xanh

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam trình bày bài tham luận với chủ đề “Chuyển đổi xanh” và thách thức tăng trưởng kinh tế trung hạn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam trình bày bài tham luận với chủ đề “Chuyển đổi xanh” và thách thức tăng trưởng kinh tế trung hạn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tại các phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề cập nhiều đến động lực từ lợi ích thiết thực của tăng trưởng xanh và khẳng định đây là con đường tất yếu, trụ cột xuyên suốt trong định hình các chiến lược, kế hoạch, chính sách nhằm hướng tới nâng cao sức cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế bền vững. Các đại biểu cho rằng, cần sớm ban hành tiêu chí xanh, có cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp, dành nguồn lực ngân sách thỏa đáng nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh; hạn chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng...

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam nhận định, việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 là khó khăn. Trong khi đó, ba động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư, xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng với ba động lực truyền thống này mà không có chính sách khuyến khích thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh, các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ không đạt được. Việc ban hành và thực thi các chính sách mang tính hành chính, phản ứng thụ động, bắt buộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng không có lộ trình sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế một cách đáng kể.

Trên phương diện hoạch định chính sách của Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Thành đề xuất, một số cụm ngành cần được xác định thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đó là các ngành sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và bao bì với trọng tâm chính sách là tái chế; dịch vụ vận tải và logistics với trọng tâm là công nghệ thông minh; xử lý chất thải với trọng tâm là chuyển đổi từ xử lý rác thải sang tạo năng lượng từ rác; kinh tế nước.

Với 7 báo cáo tham luận của các diễn giả tại Phiên toàn thể và 2 Phiên chuyên đề, hơn 40 bài viết của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học cùng trên 40 ý kiến tham gia trao đổi, thảo luận, Diễn đàn đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của xã hội, của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc diễn đàn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc diễn đàn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng, tại Diễn đàn lần này, thông điệp phát huy nội lực, năng lực nội sinh, kiến tạo các động lực tăng trưởng mới đã được đưa ra rất mạnh mẽ, xuyên suốt.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, những thông tin quý, hữu ích của Diễn đàn với những giải pháp, kiến nghị rất rõ ràng, cụ thể sẽ là đầu vào, tư liệu quan trọng, để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan nghiên cứu trong quá trình hoạch định chính sách và quản lý nhà nước.

Phan Phương (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất