Chiều 24/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đại diện Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã bấm nút khai trương Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
Phát biểu tại lễ khai trương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia được xây dựng từ kinh nghiệm của nhiều cán bộ ngành y cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia, trong đó có nhiều chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hệ thống sẽ được triển khai trên toàn bộ các trạm y tế cơ sở trong cả nước từ ngày 24/3 gồm các hợp phần về quản lý tiêm chủng và các hợp phần theo dõi sức khỏe nhân dân.
Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo toàn bộ những thông tin liên quan đến cá nhân người dân và những thông tin về sức khỏe, bệnh tật của người dân hiện đang nằm trong cơ dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ được chuyển giao, chia sẻ để Bộ Y tế tự cập nhật vào hệ thống hồ sơ này. Công việc này cần bắt đầu ngay và phải kiên trì thực hiện trong nhiều năm bởi vì việc cập nhật tình trạng sức khỏe, bệnh tật của người dân mỗi khi đến khám bệnh, tư vấn tại trạm y tế, các bệnh viện là quá trình liên tục.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế và các địa phương tích cực chỉ đạo để hệ thống này được triển khai liên tục không chỉ ở hệ thống y tế cơ sở mà ở tất cả các hệ thống y tế. Các công ty, các nhà sản xuất hệ thống phần mềm tiếp tục tham gia vào công việc này bởi vì để quản lý sức khỏe của người dân cần có rất nhiều ứng dụng khác nhau để thực hiện. Phó Thủ tướng mong muốn hệ thống được triển khai sẽ khắc phục được tình trạng người dân Việt Nam cứ mỗi khi có bệnh mới đi khám, mỗi lần khám lại có một sổ y bạ khác nhau nên không theo dõi được lịch sử bệnh tật của mình…
Sau 30 năm triển khai, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng tr o ng công tác phòng chống dịch bệnh ở nước ta và được người dân hưởng ứng, tham gia tích cực. Hơn 60 triệu liều vắc xin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hoạt động tiêm chủng thường gặp không ít khó khăn trong việc quản lý đối tượng tiêm do di biến động dân số, người dân thay đổi chỗ ở.
Việc theo dõi lịch sử tiêm chủng cũng gặp trở ngại do các bà mẹ không nhớ thời gian tiêm của con mình; đặc biệt trong những năm gần đây khi mà mỗi đối tượng được tiêm nhiều loại vắc xin trong suốt cuộc đời theo hình thức tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ. Những khó khăn trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thống kê, báo cáo và chỉ đạo điều hành công tác tiêm chủng.
Chính vì vậy, bắt đầu từ cuối năm 2015 đến nay, Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) xây dựng, triển kha i áp dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng mở rộng quốc gia. Hệ thống đã triển khai thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố và sẽ tiến hành nhân rộng trên toàn quốc vào tháng 6/2017.
Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng với việc phân cấp quản lý, đảm bảo tính bảo mật cho hệ thống cũng như cho đối tượng người dân tham gia hệ thống.
Với 10 phân hệ và 166 chức năng đã thay thế hoàn toàn báo cáo giấy giúp giảm chi phí, thời gian, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Theo đó, cán bộ y tế sẽ nắm được tình hình tiêm chủng trên phạm vi cả nước, từng tỉnh, huyện, xã phụ trách nhằm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các hoạt động tiêm chủng một cách kịp thời, khoa học, linh hoạt và hiệu quả đồng thời, nhờ hệ thống này, cán bộ tiêm chủng cũng như cán bộ điều hành có thể phát hiện được những đối tượng chưa được tiêm đủ mũi; bản, làng, xã, phường có tỷ lệ tiêm chủng thấp để có sự nhìn nhận chính xác về tỷ lệ bao phủ tiêm chủng và triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ...
Thông qua hệ thống, lịch sử tiêm chủng của người dân được theo dõi suốt đời. Đặc biệt, dù đối tượng tiêm chủng thay đổi chỗ ở vẫn được theo dõi trên hệ thống. Bên cạnh đó, hệ thống còn mang đến nhiều tiện ích cho người dân như: chủ động khai báo thông tin, đăng ký tiêm chủng, hẹn lịch tiêm, nhận tin nhắn nhắc người dân đi tiêm, tra cứu lịch sử tiêm chủng của đối tượng tiêm.../.
Thu Phương/TTXVN