(TG)- Trước diễn biến phức tạp của cơn
bão số 3, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển đã
ký Công điện số 02 khẩn cấp gửi các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Tài
nguyên và Môi trường 26 tỉnh, thành phố về ứng phó với bão số 3.
Theo nhận định mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy Trung ương, bão số 3 là cơn bão mạnh và sẽ còn diễn biến phức tạp; cần đề phòng với những ảnh hưởng của bão như gió, mưa lớn, nước dâng. Từ sáng 19/8, khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12-14. Các nơi khác thuộc phía Đông Bắc Bộ, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-11. Vùng ven biển từ Nam Quảng Ninh đến Nam Định có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3-4m.
Trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, từ chiều 18/8 đến hết ngày 20/8 sẽ xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa từ 200-300mm, có nơi trên 500mm. Đây là cơn bão mạnh và còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Mặt khác, trong thời gian vừa qua, các tỉnh thuộc Bắc Bộ vừa phải chịu ảnh hưởng nặng nề và đang tiếp tục khắc phục hậu quả của cơn bão số 1 và bão số 2; các trận mưa lớn do hoàn lưu bão số 1 và bão số 2 đã làm cho toàn bộ sông suối, đất đá ở khu vực vùng trung du, miền núi phía Bắc ở tình trạng bão hòa.
Vì vậy, theo diễn biến của bão, mưa lớn nêu trên, nguy cơ xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; ngập úng ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng trũng thấp ở Bắc Trung Bộ là rất cao.
Để chủ động phòng, tránh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu từng đơn vị nâng cao cảnh giác, theo dõi diễn biến của bão để kịp thời ứng phó. Cụ thể: Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia tổ chức trực ban nghiêm túc (24/24 giờ); chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tốt công tác quan trắc, thu nhận thông tin, số liệu khí tượng thủy văn, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ, tiến hành các cuộc trao đổi trực tuyến giữa các đơn vị ở Trung ương với các đơn vị ở địa phương để thống nhất nội dung các bản tin dự báo, cảnh báo bão, lũ. Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các bản tin cho các cơ quan ở Trung ương và địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng theo Quyết định số 46/2014 ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; Quyết định số 44/2014 ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai.
Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1195 ngày 18/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phối hợp cung cấp thông tin dự báo thời tiết, bão, mưa lớn trên phạm vi toàn quốc và hệ thống sông Hồng - Thái Bình. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 để xử lý kịp thời những sự cố do bão gây ra trên biển.
Tổng cục Môi trường phối hợp với các đơn vị thuộc các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực có bão, mưa, lũ xảy ra; có kế hoạch phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương đề xuất các giải pháp trước mắt để khắc phục và xử lý ô nhiễm, đặc biệt sau mưa lũ. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thường xuyên theo dõi hiện tượng tai biến địa chất và các quá trình địa động lực công trình, hầm mỏ tại khu vực xảy ra lũ; cảnh báo đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân tình hình sạt, lở đất để có phương án phòng, tránh.
Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh để hỗ trợ tài chính kịp thời cho công tác phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do bão, mưa lũ gây ra.
Sở Tài nguyên và Môi trường 26 tỉnh, thành phố gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, chủ động phối hợp với Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực: Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và các Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để tổ chức công tác thu nhận thông tin, phòng, tránh và khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra.
Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu giúp Bộ trưởng đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Công điện này, báo cáo Lãnh đạo Bộ để chỉ đạo kịp thời. Các đơn vị trực thuộc Bộ căn cứ nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1512 ngày 18/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khẩn trương triển khai công tác phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra và kịp thời báo cáo tình hình thiệt hại về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ./.
TG