Thứ Năm, 28/11/2024
Đời sống
Thứ Ba, 7/10/2014 16:52'(GMT+7)

Khẩn trương xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão

Chằng chống nhà cửa phòng chống bão. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Chằng chống nhà cửa phòng chống bão. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Ngày 7/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó với bão mạnh, siêu bão với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu chậm nhất đến tháng 6/2015, các bộ, ngành, địa phương phải có phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Trong đó các địa phương cần rà soát, phân loại các công trình, nhà ở có thể đảm bảo an toàn theo các cấp gió bão làm cơ sở để xây dựng phương án sơ tán dân đối với tình huống bão mạnh và siêu bão.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cập nhật hoàn thiện và công bố về phân vùng bão và xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão khu vực dải ven biển Việt Nam; xác định vùng ảnh hưởng khi siêu bão đổ bộ vào vùng ven biển và đi sâu vào đất liền; tác động của gió bão đến công trình cơ sở hạ tầng, nhà cửa.

Đồng thời nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó với siêu bão, trong đó tập trung nhận định khả năng xuất hiện siêu bão, tính toán, dự báo phạm vi gió mạnh, nước dâng do bão, mưa lũ sau bão.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức xây dựng bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão tại các tỉnh, thành phố, chuyển giao cho các Bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện phương án ứng phó.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân là một trong những giải pháp quan trọng nhất để ứng phó với bão mạnh, siêu bão.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết từ các kết quả nghiên cứu về hoạt động và ảnh hưởng của bão trước đây, có thể chia khu vực ven biển nước ta thành 5 vùng ven biển có sự khác nhau về ảnh hưởng của bão dựa theo các tiêu chí như mùa bão, các tháng nhiều bão trong năm, tần số bão trong năm, tình hình mưa do bão.

Cụ thể là Quảng Ninh-Thanh Hóa; Nghệ An-Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng-Bình Định; Phú Yên-Khánh Hòa; Ninh Thuận-Cà Mau. Trong đó vùng Quảng Ninh-Thanh Hóa đã từng ghi nhận cường độ bão cấp 15, vùng Ninh Thuận-Cà Mau có cường độ bão đã ghi nhận được là cấp 10.

Về nguy cơ ảnh hưởng của bão, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định các vùng Quảng Ninh-Thanh Hóa; Nghệ An-Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng-Bình Định có nguy cơ bão đạt cấp 15, cấp 16; Phú Yên-Khánh Hòa có thể đạt cấp 14, cấp 15 và Ninh Thuận-Cà Mau có thể lên đến cấp 12, cấp 13. Về nước dâng do bão cao nhất có thể xảy ra từ 2,0m đến 4,5m.

Các đại biểu cũng được nghe báo cáo kết quả tính toán nước biển dâng phục vụ phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão cho 3 miền Bắc-Trung-Nam; nhận định về vùng ảnh hưởng và tác động của gió, bão đến cơ sở hạ tầng, nhà cửa; kết quả triển khai xây dựng các quy định, hướng dẫn về xây dựng nhà ở, công trình theo phân vùng bão và điều kiện thiên tai ở từng vùng; hướng dẫn chằng chống nhà cửa khi siêu bão đổ bộ; hướng dẫn neo đậu phương tiện, tàu thuyền để ứng phó với tình huống bão mạnh, siêu bão./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất