Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 21/9/2020 9:15'(GMT+7)

Khẳng định cam kết chung của Liên hợp quốc và trách nhiệm của Việt Nam

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) ngày 20-9-1977 thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) ngày 20-9-1977 thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Trải qua 75 năm phát triển, kể từ khi được thành lập vào ngày 24-10-1945, đến nay LHQ đã trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập trên hành tinh, vai trò và hoạt động cũng được mở rộng về mọi mặt. Từ 51 quốc gia thành viên, LHQ hiện đã có 193 quốc gia thành viên và vươn mình thành một hệ thống toàn diện, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế-xã hội...

Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, LHQ được cộng đồng quốc tế công nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn. Những đóng góp chính của LHQ trong thời gian qua trải rộng trên các lĩnh vực: Hòa bình và an ninh quốc tế; phát triển, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người; tăng cường luật pháp quốc tế...

Ngày 20-9-1977, Việt Nam chính thức gia nhập LHQ. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LHQ trong hơn 40 năm qua đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè, từ đó tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Mặt khác, thông qua việc chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ, Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm và nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; đồng thời góp phần thúc đẩy các sáng kiến cải tổ LHQ. Những đóng góp này chính là cơ sở để Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ, ghi thêm nhiều dấu ấn quan trọng.

Trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 1-2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt các công việc điều hành, chủ trì hoạt động và đại diện cho HĐBA trong quan hệ với các nước, các cơ quan LHQ, các tổ chức khu vực, quốc tế và báo giới. Việt Nam cũng để lại dấu ấn quan trọng với việc tổ chức hai sự kiện là: Thảo luận mở của HĐBA với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì, thông qua Tuyên bố Chủ tịch riêng đầu tiên của HĐBA về tuân thủ Hiến chương LHQ; và Phiên họp về hợp tác giữa LHQ với ASEAN lần đầu tiên tại HĐBA.

Hơn thế nữa, trong vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, đồng thời đề cao các nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực.

Bên cạnh đó, tận dụng tốt “vai trò kép” là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã tổ chức tốt phiên họp của HĐBA về hợp tác LHQ-ASEAN, thường xuyên đề cao vai trò của các tổ chức khu vực trong việc hỗ trợ giải quyết các vấn đề của các khu vực. Việt Nam cũng tập trung ưu tiên thúc đẩy một số vấn đề, chủ đề được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều nước thành viên để phát huy vai trò và đóng góp của mình tại HĐBA, gồm: Khắc phục hậu quả bom mìn phục vụ tái thiết hậu xung đột; bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang; an ninh và biến đổi khí hậu; phụ nữ, hòa bình và an ninh; hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực; trẻ em và xung đột vũ trang; hoạt động Gìn giữ hòa bình LHQ.

Vào tháng 9 hằng năm, các vị nguyên thủ và lãnh đạo các quốc gia thành viên LHQ tụ họp tại trụ sở LHQ ở New York, Hoa Kỳ để bắt đầu phiên thảo luận của Khóa họp thường niên ĐHĐ LHQ. Năm nay, do tác động phức tạp của đại dịch Covid-19 nên Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 75 được tổ chức theo hình thức kết hợp. Theo đó, lãnh đạo cấp cao các nước được mời ghi hình phát biểu để phát tại phòng họp của ĐHĐ hoặc đại diện các quốc gia có mặt và phát biểu trực tiếp tại trụ sở LHQ ở New York. Triển khai chương trình đối ngoại năm 2020, lãnh đạo cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 75 với hình thức ghi hình phát biểu. Dự kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ gửi thông điệp đến sự kiện này.

Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 75 sẽ thành công tốt đẹp, góp phần tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương và mở ra những hướng đi hiệu quả cho nỗ lực toàn cầu hiện nay của LHQ trong nhiều lĩnh vực. Việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự sự kiện này cũng thể hiện sự ủng hộ, coi trọng của Việt Nam đối với vai trò của LHQ và mong muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác với LHQ, tiếp tục là thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực, thực chất vào các hoạt động của LHQ cũng như cộng đồng quốc tế./.

Theo qdnh.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất