Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một sứ mệnh cao cả, giúp đỡ những nước bị tàn phá do xung đột để tạo ra các điều kiện cho hòa bình. Gần 70 năm qua, các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa chiến tranh, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới.

Bối cảnh của thế kỷ 21 đặt ra những nhiệm vụ và yêu cầu ngày càng cao hơn, đòi hỏi trách nhiệm, sự cam kết tham gia của các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình. Việc Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là hoạt động có ý nghĩa nhân đạo quốc tế to lớn, khẳng định với thế giới về một hình ảnh đầy trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

DẤU ẤN MẠNH MẼ VỀ HÌNH ẢNH NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ TRONG HOẠT ĐỘNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH

Triển khai “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc” và “Đề án của Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo", Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam từ tháng 12/2013 để hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ công tác, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được nâng cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, ra mắt vào tháng 1/2018, song song với việc tổ chức chuyển giao Tổ công tác liên ngành về Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Quốc phòng. Từ khi thành lập đến nay, cơ quan này đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sỹ quan; triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại các Phái bộ.

Sau 5 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử 29 lượt sỹ quan thực hiện nhiệm vụ sỹ quan Liên lạc, Quan sát viên quân sự và sỹ quan Tham mưu tại hai phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, trong đó có 1 nữ sỹ quan. Về hình thức đơn vị, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (BVDCC2.1) gồm 63 cán bộ, y, bác sĩ, trong đó có 10 nữ, đã được triển khai thành công đến Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, với lễ xuất quân vào ngày 1/10/2018.

Với những đóng góp tích cực trong quá trình công tác, các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế và người dân nước sở tại.

Theo đúng tinh thần của Đề án tổng thể và Đề án Quân đội tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam vẫn đang tích cực chuẩn bị những bước đi cần thiết cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và Đội Công binh để thời gian tới sẵn sàng triển khai tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc phù hợp.

Trên cơ sở huấn luyện về gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam thời gian qua và qua kiểm tra thực tế, tháng 6/2018, Liên hợp quốc đã công nhận Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong bốn trung tâm huấn luyện quốc tế ở khu vực và sẽ triển khai huấn luyện theo chương trình Đối tác 3 bên trong thời gian tới (Việt Nam, Liên hợp quốc và một nước đối tác).

Việc Việt Nam được lựa chọn trở thành địa điểm huấn luyện các lực lượng gìn giữ hòa bình cho Liên hợp quốc tại Đông Nam Á một lần nữa cho thấy đánh giá cao của Liên hợp quốc đối với những cam kết và kết quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng các nước Liên minh châu Âu-EU tháng 8/2018, EU chính thức mời Việt Nam cử cán bộ tham gia đội giảng viên huấn luyện cơ động tại một số Trung tâm huấn luyện Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của EU tại Trung Phi, Somalia, Mali hoặc tại một số nước châu Âu.

Đánh giá về hiệu quả công tác của sỹ quan Việt Nam tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo về việc Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khẳng định, Quân đội Việt Nam luôn rất chủ động, sẵn sàng, thích ứng tốt với nhiệm vụ giúp đỡ các nước khác củng cố hòa bình, tái thiết đất nước.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: “Điều này được thể hiện trong 5 năm vừa qua, các sỹ quan của Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ ở các cương vị khác nhau đều thực hiện xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, sỹ quan Việt Nam không vi phạm các quy định, kỷ luật của Liên hợp quốc. Điều này không dễ dàng đạt được khi hoạt động ở những môi trường phức tạp".

Với những kiến thức có được từ hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, những kinh nghiệm của Việt Nam từ quá trình tiến hành chiến tranh nhân dân của một quân đội nhân dân, sỹ quan gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã khéo léo kết hợp với những kiến thức chuyên môn về gìn giữ hòa bình để áp dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại thực tế địa bàn các phái bộ.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam cho rằng, hiếm có lực lượng quân sự nào lại có tác phong gần dân, biết tận dụng hậu cần tại chỗ, biết chia sẻ những khó khăn, nỗi đau của nhân dân như quân đội Việt Nam.

Người đứng đầu Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam khẳng định những sự gần gũi nhỏ bé đó đã tạo nên một nét đặc trưng của sỹ quan Việt Nam, những người sỹ quan sống trong lòng dân, luôn luôn cố gắng tạo ra môi trường hòa hiếu, có cử chỉ nhân ái trong một hoạt động mang tính nhân đạo, nhân văn rất cao như hoạt động gìn giữ hòa bình.

Kinh nghiệm các sỹ quan Việt Nam đã tích lũy được qua quá trình công tác tại các phái bộ là những kinh nghiệm rất mới, mang tính thực tế cao, gây được ấn tượng sâu sắc đối với lực lượng quân đội của các nước đối tác đang công tác cùng địa bàn, đồng thời để lại dấu ấn rất mạnh mẽ về hình ảnh của người lính Cụ Hồ trong lòng nhân dân Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.

Việc Việt Nam triển khai đội hình cấp đơn vị đầu tiên-Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tại phái bộ Nam Sudan là một trong những bước đi góp phần thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam về xây dựng hòa bình bền vững và an ninh trên toàn thế giới.

Chỉ sau 4 tháng triển khai Bệnh viện tại Bentiu (Nam Sudan) và 3 tháng hoạt động chính thức, Trung tá, bác sỹ Bùi Đức Thành, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 cho biết Bệnh viện đã khám, điều trị cho gần 400 lượt bệnh nhân, tiến hành 12 ca phẫu thuật, trong đó có nhiều ca phải mổ cấp cứu; vận chuyển bằng đường hàng không về tuyến sau.

Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, việc Bệnh viện nhanh chóng tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với phái bộ đã phần nào khẳng định cam kết, trách nhiệm của Việt Nam trong việc đóng góp cho hòa bình trên thế giới.

Đánh giá cao những thành tích của Bệnh viện, ngày 26/11/2018, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình Jean Pierre Lacroix đã gửi thư cho Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Trong thư, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai thành công và nhanh chóng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam tại Nam Sudan.

Về việc triển khai đội hình cấp đơn vị tiếp theo, Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương để Bộ Quốc phòng triển khai Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đồng ý chủ trương cử Đội Công binh thay thế Đội Công binh của Vương quốc Anh vào năm 2020. Hiện việc đăng ký năng lực cho Đội Công binh Việt Nam vào hệ thống PCRS (hệ thống sẵn sàng năng lực) của Liên hợp quốc đã hoàn tất.

Biểu biên chế của Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, với quân số dự kiến 268 người, danh mục trang bị được xây dựng dựa trên tài liệu “Yêu cầu về năng lực của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan tháng 11/2017 (UNMISS SUR-2017) và thực tế nhu cầu, năng lực của Việt Nam. Liên hợp quốc bày tỏ ủng hộ Việt Nam triển khai vào vị trí này nếu Việt Nam đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu của Liên hợp quốc về năng lực, nhân sự, trang thiết bị.

ỦNG HỘ TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG HOẠT ĐỘNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH

Trong phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc diễn ra ngày 29/3/2019 tại New York (Hoa Kỳ), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề nghị các nước tái khẳng định cam kết đối với hoạt động gìn giữ hòa bình, đề xuất các phương thức nâng cao năng lực đối với lực lượng gìn giữ hòa bình và bảo vệ người dân trong hoạt động gìn giữ hòa bình.

Đặc biệt, ông Antonio Guterres cũng mong muốn các nước nâng tỷ lệ nữ giới tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình.

Tại Phiên thảo luận mở với chủ đề “Phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc” do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức ngày 11/4/2019, ông Antonio Guterres một lần nữa khẳng định nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc tăng cường tính đại diện của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình bằng việc ban hành Chiến lược Cân bằng giới 2018-2028 nhằm triển khai hiệu quả hơn các biện pháp bảo vệ, tạo thuận lợi cho những tiến trình hòa bình toàn diện và bao trùm. Điều này thể hiện những cố gắng xuyên suốt của Liên hợp quốc, vì mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ và loại bỏ những rào cản hiện có, kêu gọi sự hỗ trợ của các nước thành viên trong việc cử nhiều hơn các sỹ quan nữ và tăng cường quan tâm đối với việc phụ nữ tham gia các đơn vị quân đội và cảnh sát tại các phái bộ.

Khang dinh cam ket cua Viet Nam dong gop cho hoa binh the gioi hinh anh 1Ngày 11/4/2019, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức phiên thảo luận mở với chủ đề "Phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc". Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự và có bài phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: TTXVN)

Mục tiêu này nhận được sự ủng hộ của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có Việt Nam. Các quốc gia khẳng định ủng hộ mạnh mẽ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về vai trò của phụ nữ trong mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình nói chung, cũng như vai trò của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nói riêng.

Các quốc gia cũng cho rằng việc bảo đảm cân bằng giới trong các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc sẽ có tác động tích cực trong việc khắc phục tình trạng bóc lột, lạm dụng và bạo lực tình dục.

Trong Phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh vai trò tích cực của phụ nữ đối với hòa bình, nhất là trong việc tăng cường hiệu quả giải quyết các vấn đề về giới, bảo vệ và thúc đẩy thực thi quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái, tạo động lực để phụ nữ và trẻ em tại khu vực tham gia tích cực hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình; đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ tại các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong tương lai.

Ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến của Liên hợp quốc về tăng cường vai trò của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình, từ năm 2018, Việt Nam đã cử một nữ sỹ quan tham mưu đi hoạt động tại địa bàn Nam Sudan là Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga.

Kết thúc nhiệm kỳ, nữ sỹ quan của Việt Nam được Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan tặng thưởng hai Huy chương vì sự nghiệp hòa bình và ổn định của Liên hợp quốc, được Liên hợp quốc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc trên mọi mặt công tác.

Khang dinh cam ket cua Viet Nam dong gop cho hoa binh the gioi hinh anh 2Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Quyết định của Chủ tịch nước cho Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, Trợ lý Phòng Tham mưu-Kế hoạch thuộc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đi làm nhiệm vụ tại phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan vào sáng 30/10/2017. (Ảnh: TTXVN)

Đánh giá về thành tích này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng những nỗ lực và đóng góp của Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga đã góp phần khẳng định nữ sỹ quan Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt vị trí sỹ quan tham mưu - một trong những cương vị khó khăn nhất về mặt nghiệp vụ quân sự trong môi trường đa quốc gia của Liên hợp quốc. Nữ sỹ quan Việt Nam có đủ bản lĩnh, khả năng hoàn thành nhiệm vụ như nam giới.

Ngày 26/4/2019, tại Bangkok (Thái Lan), Việt Nam đã nhận bàn giao cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm Gìn giữ hòa bình khu vực châu Á-Thái Bình Dương (AAPTC) năm 2020 từ nước chủ nhà Thái Lan trong khuôn khổ Hội thảo, Hội nghị thường niên AAPTC. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận cương vị này kể từ khi chính thức tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc năm 2014 và là một thành viên của AAPTC.

Trong bài phát biểu trước khi nhận bàn giao cương vị Chủ tịch AAPTC 2020, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh những nỗ lực và kết quả bước đầu Việt Nam đã đạt được khi mới tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong 5 năm qua.

Đặc biệt, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ và tuân thủ các tiêu chí của Liên hợp quốc về việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, với minh chứng rõ nét là Việt Nam đã cử nữ sỹ quan đầu tiên làm sỹ quan tham mưu tại phái bộ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan (UNMISS).

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại UNMISS cũng có tỷ lệ nữ là 16% (cao hơn so với kêu gọi của Liên hợp quốc là từ 10-15%). Họ đều được phái bộ đánh giá cao về kỹ năng, trình độ và tính kỷ luật. Sắp tới, Việt Nam tiếp tục gửi các nữ sỹ quan tham mưu tham gia hoạt động tại các địa bàn châu Phi.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tái khẳng định nếu được lựa chọn thay thế Đội Công binh của Vương quốc Anh tại UNMISS, Việt Nam sẽ cử ít nhất 10% quân nhân trong Đội Công binh là nữ.

Cuối năm 2019, Việt Nam dự kiến sẽ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo quốc tế chủ đề “Phụ nữ với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc".

Thông qua hoạt động này, Việt Nam mong muốn tôn vinh vai trò của phụ nữ trong kiến tạo hòa bình và đóng góp cho an ninh của thế giới./.

Hiền Hạnh (TTXVN)