Thứ Ba, 3/12/2024
Học và làm theo Bác
Chủ Nhật, 28/6/2020 8:24'(GMT+7)

Khẳng định giá trị văn hóa, sức sống trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải Đặc biệt cho 2 tác phẩm thơ "Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ", "Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ" của cố nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez; và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật có thành tích xuất sắc quảng bá sách về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải Đặc biệt cho 2 tác phẩm thơ "Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ", "Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ" của cố nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez; và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật có thành tích xuất sắc quảng bá sách về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

ĐA DẠNG HÓA TRONG CHỦ ĐỀ, SINH ĐỘNG TRONG CÁCH THỂ HIỆN

Tại lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018-2020 (Giải thưởng) diễn ra vào tối 13-5 vừa qua do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, công chúng trên cả nước đã được thưởng thức một số tác phẩm âm nhạc, múa, sân khấu được trao giải lần này như: ca khúc “Dâng Người ngàn hoa chiến công” (Tác giả Chẩm Hồng Giang), Múa ngắn “Côn Đảo ngày trở về” (Biên đạo Nguyễn Hải Trường, Âm nhạc Dương Khắc Linh), trích đoạn sân khấu “Trở về” (Tác giả Đăng Chương, Đạo diễn NSND. Lê Hùng)… Mang tác phẩm đến với công chúng - đó là sự trân trọng, tôn vinh những tài năng sáng tạo; đồng thời, chia sẻ những trăn trở, tìm tòi của các tác giả về phương pháp, phong cách nghệ thuật để nâng cao tính tư tưởng, tính hấp dẫn, tính thuyết phục, tính quần chúng trong những sáng tác về chủ đề học và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là điểm mới so với các lễ trao giải lần trước, làm phong phú và lan tỏa rộng rãi các tác phẩm sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề này.

Hồ Chí Minh - tên Người “là cả một niềm thơ”. Có lẽ bởi vậy, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của văn nghệ sỹ, nhà báo, các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước với niềm kính yêu và lòng biết ơn vô hạn, bằng cảm xúc chân thành từ trái tim, xuyên suốt chiều dài lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Hơn một thập kỷ qua, Ban tổ chức Giải thưởng và trước đó là Cuộc vận động với 3 chặng đường (giai đoạn 2008-2011, 2011-2015 và 2015-2020) đã nhận được hàng ngàn tác phẩm, công trình của nhiều tập thể, cá nhân với nhiều thể tài như văn xuôi, thơ, kịch nói, truyện kể dân gian, lý luận phê bình, mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, múa, điện ảnh, các loại hình báo chí... Với sự tham gia đông đảo của các tác giả trong và ngoài nước, có thể thấy rằng, đây là một sự kiện quan trọng của giới văn nghệ sỹ và các tầng lớp nhân dân. Chủ trương phát động Giải thưởng rất phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, trách nhiệm của giới văn nghệ sỹ, báo chí nên nhận được sự hưởng ứng rộng rãi. Nỗ lực, chỉn chu, tâm huyết trong sáng tác của mình, từ khắc họa hình tượng Bác Hồ đến hình tượng con người mới Việt Nam trong thời kỳ đổi mới của đất nước, ai cũng muốn hoàn thiện tác phẩm tốt nhất để truyền tải thông điệp đến công chúng một cách trọn vẹn, mang chiều sâu tư tưởng. Đa dạng trong chủ đề, sinh động trong cách thể hiện, mỗi tác giả bằng cảm xúc và tài năng của mình đã thể hiện góc nhìn độc đáo, riêng có về Bác, về những tấm gương học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Giai đoạn 2018-2020, đã có gần 6.000 tác phẩm, hồ sơ thành tích quảng bá của tác giả, nhóm tác giả, tập thể, cá nhân ở trong và nước ngoài, của tác giả là người nước ngoài gửi tham gia Giải thưởng.

Hơn 20 cơ quan, địa phương nhận trên 100 tác phẩm. Nhiều nhất là Hà Nội gần 700 tác phẩm; Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam gần 600 tác phẩm; Đồng Nai 469 tác phẩm; Bắc Ninh trên 400 tác phẩm; Cà Mau 384 tác phẩm; Long An 356 tác phẩm; Hậu Giang 352 tác phẩm; Sơn La 291 tác phẩm; Tuyên Quang trên 200 tác phẩm; Tiền Giang 200 tác phẩm; Bình Phước 161 tác phẩm, 22 tập thể, cá nhân; Bộ Công an 120 tác phẩm...

Các tác phẩm của các loại hình khác đều phản ánh sự sinh động của thực tế, không bị theo lối mòn, lặp lại; mà đều mang nét tươi mới, hơi thở của cuộc sống đương đại. Điều đó đã tạo nên cho các tác phẩm sự chuyên nghiệp, đa dạng trong ngôn ngữ biểu đạt. “Trường ca Trăng Tân Trào” của nhà thơ Hữu Thỉnh được phát triển từ câu chuyện về một tấm gương chưa được nhiều người biết tới. Đó là một thầy thuốc đã chữa bệnh cho Bác Hồ vào mùa Thu năm 1945. Chữa khỏi bệnh cho vị lãnh tụ nhưng người thầy thuốc ấy chưa bao giờ kể công hay nhận tấm bằng khen: “Người chẳng để tên gì/ Lặng xanh vào cõi núi/ Không cả nghe giọng nói/ Giấu mình trong sớm mai”. Chỉ tiếp cận qua lời kể và sách báo nhưng trí tưởng tượng của thi sĩ mang đến cho bạn đọc câu chuyện thơ chân thực và xúc động.

Trao giải cho các tác giả đạt giải A.

Đó là 2 tác phẩm thơ “Hồ Chí Minh - Tên người là cả một niềm thơ”, “Thủ đô Hà Nội nhớ Bác” của nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez; sưu tầm“Những bài dân ca của đồng bào Tây Nguyên dâng lên Bác Hồ kính yêu” của tác giả Trương Bi. Tác phẩm“Nửa thế kỷ văn thơ Hồ Chí Minh” của tác giả Phong Lê minh chứng về văn chương của Bác đã thỏa mãn tối ưu 2 yếu tố của nền văn học thế kỷ XX đặt ra là cách mạng hóa và hiện đại hóa. Tác phẩm “Cung quy hoạch kiến trúc Bắc Ninh” của nhóm tác giả kiến trúc sư Lê Hải Sơn, Đỗ Xuân Thủy, Chu Văn Tú, Viện Quy hoạch kiến trúc tỉnh Bắc Ninh một công trình kiến trúc hiện đại với biểu tượng là chiếc nón quai thao, dải lụa đào tượng trưng cho người quan họ Kinh Bắc. Cách thể hiện của các tác giả đều làm cho công chúng thấy quen thuộc và bình dị, thấy một phần cuộc sống của mình trong chính các tác phẩm nghệ thuật.

Đa dạng và phong phú, nhưng các tác phẩm đều có chung một ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ của cái đẹp, của tấm lòng nhân văn, của đạo đức cách mạng trong sáng, của trí tuệ và ý chí con người Việt Nam thể hiện qua hình tượng Hồ Chí Minh, qua những tập thể, cá nhân tiêu biểu được xuất hiện trong thực tiễn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng 2 giải đặc biệt, 11 giải A, 42 giải B, 74 giải C và 99 giải khuyến khích cho tác giả, nhóm tác giả đã có thành tích xuất sắc trong sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018-2020.

TIN TƯỞNG VÀO MÙA GIẢI MỚI  

Tại lễ trao Giải thưởng, ghi nhận và biểu dương những kết quả to lớn và ý nghĩa nhiều mặt của Giải thưởng, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã khẳng định, Giải thưởng đã thực sự trở thành một sinh hoạt văn hóa sâu rộng, bền bỉ, đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của các văn nghệ sỹ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước.

Trong số các tác giả, tác phẩm được trao giải năm nay, bên cạnh những tên tuổi đã thành danh, điều đáng mừng, nhiều tác giả trẻ đã được xướng tên ở giải A. Đó là tác giả Chẩm Hồng Giang với ca khúc “Dâng Người ngàn đóa hoa chiến công”, tác giả Trần Ly Ly với tác phẩm “Dũng sĩ rừng Sác”… Mỗi tác phẩm sáng tác, mỗi hoạt động quảng bá đều là thành quả lao động sáng tạo văn học, nghệ thuật, báo chí, đã góp phần khẳng định giá trị văn hóa, sức sống trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm nổi bật giá trị, ý nghĩa to lớn, thiết thực của việc học và làm theo Bác. Từ đó, khẳng định sự tiếp nối dòng chảy văn học nghệ thuật, báo chí cách mạng nước nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định, tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ - mạch nguồn cảm xúc vô tận, trường tồn với thời gian và cũng là mạch nguồn sáng tạo của nhiều thế hệ, trong đó có thế hệ trẻ Việt Nam.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là một chủ đề vừa dễ lại vừa khó. Dễ là vì chúng ta nói tới sáng tác và quảng bá về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà điều này đã được làm rõ trong các tác phẩm lý luận. Tác phẩm dự thi không chỉ phản ánh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn phản ánh việc học tập và làm theo tấm gương của Người. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là như thế nào, nhất là trong sáng tác? Đây là cái khó, đòi hỏi tác giả phải đi vào đời sống để phát hiện ra các tập thể, cá nhân. Ở Giải thưởng này, chủ đề sáng tác về Hồ Chí Minh được coi là dễ là do Bác rất gần gũi, hiểu về Bác, hiểu về phong cách, tư tưởng, đạo đức của Người. Nhưng để có một tác phẩm vượt lên trên các “tượng đài” đã có từ trước là rất khó, làm thế nào để có một góc nhìn mới có tính phát hiện. Do vậy, để tìm ra một điều gì đó mới, mang tính phát hiện, tạo cảm xúc mới như “đôi dép cao su, đôi dép Bác Hồ”, không phải là dễ.

Để có thêm nhiều tác phẩm chất lượng, đặc sắc, xứng tầm về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các tác giả phải tìm những rung cảm mới và thể hiện bằng góc nhìn hôm nay. Trong đó, sự chân thật, giản dị, tự nhiên là những yếu tố để tác phẩm dễ đi vào lòng người và có sức sống bền lâu. Ngoài việc sáng tác, vấn đề quảng bá cũng cần được tác giả và các đơn vị chú trọng hơn nữa. Bởi qua đó, những người, những việc tiêu biểu được lan tỏa, cảm hóa, thôi thúc nhiều người làm theo, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành sinh hoạt chính trị, văn hóa tích cực, thường xuyên trong đời sống.

Biểu diễn ca khúc "Dâng Người ngàn hoa chiến công" của tác giả Chẩm Hồng Giang.

Trong thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành phong trào to lớn, rộng khắp, dần đi vào nền nếp, trở thành việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi tập thể, cá nhân. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí đã góp phần tuyên truyền, đưa giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến gần hơn với công chúng, đưa giá trị nhân văn tốt đẹp trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác lan tỏa trong đời sống nhân dân. Điều quan trọng nhất mà chúng ta đạt được thông qua Giải thưởng là góp phần hình thức ý thức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ý thức trân trọng những việc làm tốt, những tấm gương sáng, những tấm gương bình dị mà cao quý để tôn vinh, tuyên truyền người tốt, việc tốt. Tư tưởng, đạo đức, phong cách ngời sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mạch nguồn cảm xúc, khơi gợi tinh thần dân tộc trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề này sẽ luôn là chất xúc tác, góp phần cổ vũ, động viên, tạo thành sức mạnh Việt Nam. Và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và hy vọng vào một mùa vàng bội thu trong Giải thưởng giai đoạn 2020-2025 với những tác phẩm mới, nhiều công trình nghiên cứu mới mang sức mạnh, tinh thần và ý chí Việt Nam!./.

Ths. Đoàn Thị Nguyệt

ĐH Y dược Hải Phòng

 

Nhà văn Hà Lâm Kỳ, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái:

Giúp thế hệ trẻ phát huy được ý chí, bản lĩnh, nghị lực

Tiểu thuyết“Cánh cung đỏ”, tôi đã ấp ủ trong suốt 20 năm và trong suốt khoảng thời gian đó tôi tìm kiếm tư liệu lịch sử. Tác phẩm được viết từ năm 2015 và hoàn thành vào cuối năm 2017, đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến.

“Cánh cung đỏ” viết về những câu chuyện cho thấy vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong cuộc Cách mạng Tháng Tám và 9 năm kháng chiến ở vùng núi Tây Bắc, trong giai đoạn từ năm 1942 - 1952, trong đó có nhân vật lịch sử có thật ở thời kỳ đó như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các vị lãnh đạo Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn...

Tôi muốn qua tác phẩm của mình, đồng bào các dân tộc thiểu số của vùng Tây bắc hiểu hơn về vùng đất cách mạng và kháng chiến của mình. Đây cũng là tác phẩm để tri ân những thế hệ nhân dân, anh hùng liệt sĩ, cán bộ cách mạng đã hy sinh xương máu, đồng thời cũng muốn gửi lời tới lớp trẻ luôn luôn ghi nhớ điều đó. Tôi tin rằng, tinh thần, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để lại giúp lớp trẻ phát huy được ý chí, bản lĩnh, nghị lực, góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

 

NSƯT. Trần Ly Ly, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam:

Truyền tải hình tượng nghệ thuật và năng lượng tích cực cho khán giả

Đứng trước chủ đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, văn nghệ sĩ phải đặt cả trái tim vào tác phẩm, đồng thời sử dụng nhuần nhị ngôn ngữ đặc thù để truyền tải tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các nhân vật.

Tác phẩm “Dũng sỹ rừng Sác”, tôi sáng tạo rất nhanh vì cảm xúc đến vô cùng mãnh liệt. Khi đứng ở rừng Sác, Cần Giờ, tôi tưởng tượng ra không gian của các chiến sỹ rừng Sác đã ngâm nước, nằm bùn bao nhiêu ngày tháng. Và từ đó, hình tượng bật lên rất nhanh. Tôi làm tác phẩm này muốn truyền tải thông điệp về sự hy sinh, sự hy sinh âm thầm. Tôi cũng muốn nói tới cái chết của người chiến sỹ khi bị sốt rét, nằm trong vòng tay của đồng đội, một sự ra đi, một sự chia tay, tình đoàn kết, sự hy sinh âm thầm lặng lẽ và lý tưởng luôn sống mãi. Tôi muốn truyền tải được hình ảnh ấy, thổi hồn vào hình tượng con người Việt Nam luôn yêu thương, sự chịu đựng, hy sinh âm thầm và lý tưởng mãi mãi bền vững.

Người nghệ sỹ hãy dùng ngôn ngữ nghệ thuật của chính mình để truyền tải hình tượng nghệ thuật và cảm xúc của cuộc sống để có thể đem đến cho khán giả, công chúng những cảm xúc và năng lượng tích cực, để cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Tác giả Chẩm Hồng Giang, Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh:

Tạo sự lan tỏa và sức sống nghệ thuật của tác phẩm đối với cuộc sống

Tôi thật sự vui và xúc động khi tác phẩm “Dâng Người ngàn hoa chiến công” của mình được đón nhận, đánh giá và ghi nhận. Ca khúc này được tôi bắt đầu sáng tác cách đây 6 năm trước. Khi mới bắt đầu viết tác phẩm, tôi nghĩ mình chưa thẩm thấu hết về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những bài học của Bác để lại nên quá trình triển khai sáng tác bài hát chưa thực sự tốt. Quá trình sáng tác cũng là quá trình tôi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, thấm nhuần tư tưởng của Người.

Tôi không biết phải bắt đầu để ca ngợi và học tập về Bác như thế nào. Khi đã thông suốt và đủ trải nghiệm thì việc chuyển hóa chủ đề này vào trong tác phẩm dễ dàng hơn, dù chỉ bằng ngôn ngữ, hình tượng giản dị, gần gũi. Đã hơn 50 năm, kể từ ngày Bác mất, dân tộc Việt Nam đã giành được nhiều chiến công để kính dâng lên Người. Để ca ngợi những chiến công đó, biết bao nhiêu cho đủ. Vì thế, tôi quyết định sáng tác càng đơn giản càng tốt. Đó là tuổi trẻ Việt Nam hứa với Bác, sống, chiến đấu và học tập theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đó là không có gì quý hơn độc lập tự do, không có khó khăn, thử thách nào ngăn cản tuổi trẻ và nhân dân Việt Nam đi lên, lập ngàn chiến công dâng lên Người.

Giải thưởng là niềm vinh dự và là động lực để tôi tiếp tục hoàn thành tốt công việc của mình trong thời gian tới. Tuy nhiên, Giải thưởng này chỉ là sự đánh giá ban đầu đối với tác phẩm, cần hơn nữa sự đánh giá của công chúng, tạo sự lan tỏa và sức sống nghệ thuật của tác phẩm đối với cuộc sống.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất