Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 9/8/2024 13:9'(GMT+7)

Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Chú thích ảnh
Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ là nơi trưng bày nhiều tư liệu, ảnh, ấn phẩm báo chí quý giá. (Ảnh: TTXVN)

Sau gần 7 tháng thi công, công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã hoàn thành. Đây là một trong những hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động hướng tới 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) và 75 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2025).

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện. Ban Giám đốc Trường được chỉ định thành lập gồm 5 người, trong đó ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc; ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc…

Cách đây 75 năm (tháng 4/1949), giữa núi rừng đại ngàn tại xóm Bờ Rạ (nay thuộc xóm Gốc Mít, xã Tân Thái, Huyện Đại Từ), lễ khai giảng lớp đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức. Ngôi trường thời bấy giờ là nhà tranh tre mái lá vách nứa.

Do bối cảnh kháng chiến khốc liệt, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn. Học viên gồm 42 cán bộ từ cả nước gửi về, 29 giảng viên tham gia giảng dạy đều là những lãnh đạo giàu kinh nghiệm như đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Lê Quang Đạo, Tố Hữu...

Với tầm vóc quan trọng, lớp học nhận được sự quan tâm đặc biệt khi Bác Hồ đã 2 lần gửi thư động viên, căn dặn học viên.

Dựa trên những tư liệu lịch sử đó, tháng 1/2024, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND và cơ quan tỉnh Thái Nguyên thực hiện dự án tu bổ tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trên địa bàn xã Tân Thái.

Công trình Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.(Ảnh: TTXVN)

Di tích sau khi được đưa vào khai thác sẽ là nơi tổ chức đón tiếp các đoàn khách tham quan, các nhà báo về nguồn, các sinh viên và học sinh học tập và trải nghiệm về lịch sử báo chí; đồng thời là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo về báo chí, tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, nơi phát thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, lễ trao các giải báo chí khu vực và địa phương…

Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn khi đi vào hoạt động, các trưng bày về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và Báo chí Chiến khu Việt Bắc tại đây không chỉ góp phần lưu giữ và giới thiệu những tư liệu, hiện vật báo chí giá trị giai đoạn 1946 - 1954 mà còn khẳng định được những thành quả to lớn của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong các cuộc đấu tranh vệ quốc và trong hành trình kiến thiết đất nước.

Ngoài ra, với địa thế nằm bên bờ hồ Núi Cốc, Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng hứa hẹn sẽ là một trong những điểm thu hút khách du lịch đến Thái Nguyên.

Công trình không chỉ tái hiện lịch sử mà còn đảm bảo tính mỹ thuật cao. (Ảnh: TTXVN)

Di tích lịch sử cấp Quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng hiện được trùng tu, xây dựng hoàn thiện với 3 đơn nguyên chính trên diện tích 859m2.
 
Trong đó, Nhà trưng bày - bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, được thiết kế dưới hình thức căn nhà cấp 4 xây trên đồi cao. Lớp học ngày xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy.
 
Nhà sàn - bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946 - 1954, rộng 80m2 được phỏng dựng từ ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh../.
 
 TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất