Phó Thủ tướng đã đi khảo sát tại Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt (huyện Đơn Dương); Công ty Cổ phần chè Lâm Đồng (Thành phố Bảo Lộc) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Một thành viên (MTV) Lâm nghiệp Di Linh (huyện Di Linh).
Cùng đi với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp.
Hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa
Tiền thân của Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt là Trung tâm bò sữa Đức Trọng thành lập năm 1978 trực thuộc Bộ Nông nghiệp. Từ tháng 1/2005, công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, vốn điều lệ 18,4 tỷ đồng, tỷ lệ cổ phần nhà nước là 72%, người lao động 16,6%, cổ đông ngoài 11,4%.
Sau 4 lần tăng vốn, tổng vốn điều lệ của Công ty hiện nay là 67,8 tỷ đồng, tỷ lệ vốn nhà nước chiếm 6,3%, vốn nước ngoài 36,1%, người lao động 0,7%, cổ đông chiến lược 48,3%, cổ đông khác 8,7%.
Sau khi cổ phần hóa, đặc biệt là sau khi bán bớt cổ phần chi phối của nhà nước, Công ty đã tìm được nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài có năng lực về tài chính, nhiều kinh nghiệm trong tái cơ cấu doanh nghiệp.
Sau cổ phần hóa, mặc dù nhà nước không nắm cổ phần chi phối nhưng Công ty vẫn thực hiện tốt vai trò là hạt nhân cho chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa, tiếp tục thực hiện công tác cung ứng con giống, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, nuôi giữ giống gốc cho Nhà nước.
Công ty Cổ phần chè Lâm Đồng được thành lập năm 1976, quản lý 1.387 ha trồng chè. Tháng 7/2007, Công ty được cổ phần hóa, trong đó vốn nhà nước chiếm 45%, cổ phần ưu đãi cho cán bộ công nhân viên chiếm 12%, bán ra 43%.
Sau 5 năm được cổ phần hóa, Công ty vẫn giữ được vị thế chủ đạo trong ngành chè của tỉnh Lâm Đồng, sản lượng chè xuất khẩu và tiêu thụ trong nước hàng năm đạt 5.000 tấn trở lên, doanh thu đạt 100 tỷ/năm, nộp ngân sách, thuế hơn 14 tỷ đồng. Từ 2007 đến nay, công ty đều có lợi nhuận, tuy không cao nhưng vẫn duy trì được sản xuất, tạo việc làm , thực hiện tốt các chế độ và phúc lợi cho người lao động.
Công ty có quy chế ký hợp đồng giao khoán cho hộ nông trường viên, dân địa phương nhận chăm sóc, thu hái, giao toàn bộ sản phẩm chè búp tươi về nhà máy chế biến. Công ty quản lý đất đai, đầu tư trồng mới, phân bón. Người lao động được hưởng công chăm sóc, thu hái, đầu tư thâm canh và sản lượng vượt khoán.
Năm 2010, Công ty đã hợp tác, tái cấu trúc lại ngành chè của tỉnh thành một hệ thống với 5 công ty, dùng chung một đầu mối làm thị trường xuất khẩu là Ladotea, thống nhất Ban kiểm soát và điều hòa tài chính, vốn, đầu tư…
|
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và các công ty, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, phải đảm bảo người dân có cuộc sống ổn định khi hết thời hạn sử dụng đất, bị thu hồi. (Ảnh VGP) |
Đổi mới mô hình nhưng chưa đổi mới cơ chế
Năm 2011, cùng với 8 công ty lâm nghiệp khác trong toàn tỉnh, Công ty Lâm nghiệp Di Linh được chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Di Linh.
Qua thời gian chuyển đổi sang mô hình mới, bước đầu Công ty đã hoạt động có hiệu quả, phù hợp với tình hình quản lý và kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.
Công ty đã xây dựng phương án bố trí diện tích cho sản xuất kinh doanh, dự kiến trả cho địa phương quản lý hơn 11 ngàn ha, giữ lại tổ chức kinh doanh 15.893 ha.
Năm 2011, Công ty đạt doanh thu 35,5 tỷ đồng, nộp ngân sách 5,4 tỷ, thu nhập bình quân người lao động đạt 5,1 triệu/người/tháng.
Trong 3 năm qua, Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn quản lý. Tuy nhiên, số vụ vi phạm vẫn xảy ra ở mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp. Từ 2009 đến 2011, trên địa bàn đã xảy ra 15 vụ các đối tượng lâm tặc tấn công lực lượng quản lý, bảo vệ rừng.
Qua khảo sát tình hình thực tế, hoạt động của Công ty vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa thực sự đổi mới.
Diện tích giao rừng cho công ty quản lý, bảo vệ, đến nay do quy hoạch lại, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, biến động về diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa được cập nhật và chỉnh lý kịp thời nên không còn phù hợp, dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Đến nay vẫn chưa có nguồn lực để tiến hành cắm mốc, phân định ranh giới đất nông, lâm nghiệp, chưa hoàn chỉnh hồ sơ để làm thủ tục giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.
Tuy đã chuyển đổi mô hình từ công ty nhà nước thành công ty THNN một thành viên, nhưng cơ bản con người, tổ chức, cơ chế hoạt động của doanh nghiệp vẫn giữ nguyên. Ngoài nguồn lực hạn chế, đây cũng là lý do khiến doanh nghiệp chưa tự chủ trong quá trình sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả bảo vệ, khai thác hiệu quả đất rừng.
Minh bạch, ổn định, khả thi về chính sách
Kết luận các buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh biểu dương những kết quả đáng khích lệ trong sản xuất, kinh doanh của các công ty. Theo Phó Thủ tướng, mặc dù có nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu chuyển đổi nhưng cả 3 đơn vị đã hoạt động ổn định, có hiệu quả, từ chỗ hoạt động thua lỗ đã phát triển có lãi, nộp ngân sách tăng, thu nhập tăng.
Phó Thủ tướng cho biết, mục đích chính của chuyến khảo sát lần này là để tìm hiểu những vướng mắc, khó khăn cũng như những kinh nghiệm hay khi thực hiện thí điểm cổ phần hóa nông – lâm trường quốc doanh, từ đó, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cũng như phát huy những kinh nghiệm này.
Theo Phó Thủ tướng, qua nắm bắt tình hình, đã nhận ra nhiều nội dung đáng suy nghĩ, kể cả từ các bộ, ngành trung ương, địa phương và bản thân các doanh nghiệp để cùng phối hợp chặt chẽ trong việc ban hành chính sách sắp tới một cách phù hợp, một mặt tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, một mặt tạo điều kiện để phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống người lao động, nông dân trong khu vực.
“Nhà nước cần sở hữu bao nhiêu % vốn để thực hiện đúng định hướng trong sản xuất, kinh doanh ở những nông trường cổ phần hóa?”, Phó Thủ tướng nêu câu hỏi tại cuộc làm việc với Công ty Cổ phần sữa Đà lạt.
Xác định công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch sản xuất, là rất quan trọng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu vấn đề về việc cần có quy định phù hợp, chặt chẽ khi xác định bàn giao bao nhiêu đất cho các nông – lâm trường sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Theo Phó Thủ tướng, trong việc giao, cho thuê đất phải khẳng định trách nhiệm của người cho thuê đất, người đi thuê đất. Cần nghiên cứu chính sách phù hợp để đảm bảo người dân có cuộc sống ổn định khi hết thời hạn sử dụng đất, bị thu hồi; công ty phát triển, nhưng đảm bảo cuộc sống của người dân.
“Chính sách đối với doanh nghiệp phải minh bạch, ổn định, bảo đảm thực hiện được, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động chính đáng một cách thuận lợi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
“Theo thống kê, lượng đất đai do các nông lâm trường quốc doanh hiện đang quản lý là rất lớn, trong khi đó số lượng người trực tiếp khai thác, sử dụng là rất nhỏ. Đây là sự trái ngược so với tình hình chung. Cần tiếp tục rà soát, trên cơ sở đó tiến hành phân loại mục đích sử dụng để phát huy hiệu quả cao nhất”, Phó Thủ tướng yêu cầu./.
(Theo: VGP News)