Vấn đề về cơ chế quản lý, sử dụng vốn
Nhà nước (VNN) đầu tư vào doanh nghiệp (DN) mặc dù đã được ban hành và sửa đổi theo
từng giai đoạn nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, cần được hoàn thiện trên cơ
sở phù hợp, chặt chẽ hơn để đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN
và đảm bảo vốn đầu tư của Nhà nước có hiệu quả, bảo toàn và tăng
trưởng.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Tặng,
nguyên Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, việc quản lý VNN
tại DN đã có khung khổ pháp lý khá đầy đủ từ khâu đầu tư đến quản lý,
giám sát quá trình sử dụng; hình thức văn bản có cả luật, nghị định,
thông tư; việc phân cấp cũng được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn còn
nhiều bất cập trong việc quản lý VNN tại DN mà nổi bật nhất là sự chưa
rõ ràng, chuẩn xác, thiếu nhất quán về khái niệm “vốn Nhà nước” trong
các văn bản pháp luật hiện hành.
Cụ thể, trong Luật Đầu tư 2005, VNN bao
gồm vốn ngân sách, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu
tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư khác của Nhà nước.
Trong Luật Đấu thầu 2005, VNN có thêm
vốn đầu tư của DNNN. Theo Nghị định số 99/2012/NĐ-CP, VNN tại các DN gồm
VNN tại các công ty TNHH 100% VNN do các bộ, UBND tỉnh quản lý hoặc
giao quản lý và vốn đầu tư của các công ty mẹ có 100% VNN vào các công
ty con và công ty liên kết.
Theo phân tích của TS. Vũ Nhữ Thăng,
Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, sự
thiếu nhất quán nói trên đã dẫn đến cách hiểu VNN tại các tập đoàn, tổng
công ty Nhà nước sẽ bao gồm cả vốn của các DN này đầu tư vào DN khác,
đồng thời dẫn đến việc coi các công ty con của các tập đoàn, tổng công
ty này cũng chịu sự điều chỉnh trực tiếp và toàn diện của pháp luật về
DNNN.
Từ đó, phạm vi quản lý của chủ sở hữu
Nhà nước sẽ rất rộng, không phù hợp, dẫn đến tình trạng xác định không
đúng chủ sở hữu, đối tượng, phạm vi quản lý và định hướng cơ chế, chính
sách cũng như việc đánh giá hiệu quả hoạt động và quản lý phần vốn của
Nhà nước đầu tư và DN.
Dựa trên khái niệm về VNN, đặc điểm của
VNN, TS. Vũ Nhữ Thăng cho rằng, khái niệm “vốn Nhà nước” đầu tư cần được
xác định thống nhất trên hai nội dung. Thứ nhất, VNN được ngân sách Nhà
nước đầu tư một lần khi thành lập DN hoặc tăng vốn trong quá trình hoạt
động kinh doanh, từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển tại DN, Quỹ hỗ trợ sắp
xếp DN, các tài sản theo quy định của pháp luật được Nhà nước giao cho
DN… và không bao gồm vốn vay. Thứ hai, VNN chỉ đầu tư vào DN cấp I (công
ty mẹ), do đó chủ sở hữu có quyền quyết định, trách nhiệm quản lý và
giám sát đối với phần vốn đầu tư và DN cấp I, không coi việc sử dụng
nguồn vốn công ty mẹ đầu tư vào DN khác là VNN đầu tư.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Tặng
khuyến nghị nên thống nhất lại các khái niệm về VNN, DNNN, cổ phần, vốn
góp chi phối… để làm cơ sở xây dựng cơ chế quản lý DNNN nói chung và
quản lý VNN tại DNNN nói riêng, bao gồm cả vấn đề phân cấp đại diện chủ
sở hữu VNN tại DN.
Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng
cần làm ngay là hoàn chỉnh cơ chế quản lý tài chính nói chung và quy chế
quản lý VNN tại DN nói riêng, trong đó tập trung vào việc đầu tư ra
ngoài DN, vấn đề trích lập các quỹ tại DN… đảm bảo phù hợp với thực tế,
tập trung nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; bảo đảm
công bằng, bình đẳng giữa người lao động của DNNN và DN ngoài Nhà nước.
Cùng với đó, việc nghiên cứu xây dựng và
ban hành một số nội dung như quy chế giám sát và đánh giá DNNN; phương
thức đấu thầu, đặt hàng sản xuất, cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích
phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ, từng địa phương;
phương thức đầu tư vốn cho các tổ chức kinh tế nói chung và đầu tư cho
DN nói riêng… cũng cần khẩn trương triển khai để sớm lấp đi những khoảng
trống pháp lý trong quản lý VNN tại các DN./.
(Theo: VOV)