Thứ Hai, 25/11/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 26/5/2017 20:35'(GMT+7)

Khởi động chương trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. (ảnh DP)

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. (ảnh DP)

Sáng ngày 26/5, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam tổ chức Hội thảo khởi động chương trình phát triển công trình xanh. Tới dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, đại diện các doanh nghiệp BĐS và các cơ quan thông tấn báo chí.

Hội thảo được Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Uỷ ban Khoa học- Công nghệ & Môi trường của Quốc hội, cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức tài chính Quốc tế IFC (Ngân hàng Thế giới).

Phát biểu khai mạc Hội thảo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết: Hội thảo là một phần của việc thực hiện kế hoạch hoạt động 5 năm (2017-2022) cho “Chương trình phát triển công trình xanh và bền vững”; mục tiêu nhằm thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS phát triển những công trình xanh trên phạm vi toàn quốc hướng tới góp phần tạo lập nên cơ bản cho việc hình thành một thị trường BĐS xanh ở Việt Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng: Việt Nam đang được dự báo sẽ phải chịu nhiều thách thức trước vấn đề biến đổi khí hậu. Điển hình là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, cùng nhiều chương trình hành động thiết thực khác. Đồng thời để cụ thể hóa chủ trương này, ngày 11/5 vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành “Kế hoạch hành động của ngành xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Cho nên, việc phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn của đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Với riêng thị trường BĐS, thế giới cũng đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển công trình xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường BĐS. Vì vậy, các chủ đầu tư và người mua nhà cần có nhận thức đúng để thúc đẩy phát triển công trình xanh.

Nhận định công trình xanh là xu hướng tất yếu, ông Trịnh Tùng Bách cho rằng vấn đề trở ngại hiện nay là phần lớn chủ đầu tư và ngay cả người mua nhà còn có nhận thức rất mơ hồ. Nhiều chủ đầu tư thậm chí còn suy nghĩ nếu làm công trình xanh chi phí tăng thêm từ 10-20%, điều này hoàn toàn không đúng và cần phải nhận thức lại để thúc đẩy phát triển các sản phẩm theo xu hướng này hiệu quả. “Kết quả lớn nhất mà các công trình xanh đạt được là tiết kiệm tài nguyên cho thế hệ tương lai”, ông Bách khẳng định.

Đại diện Quản lý công trình xanh của IFC cho biết, các công trình xây dựng tại Việt Nam đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trong đó sử dụng năng lượng điện chiếm 33% và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính, chiếm 1/3 tổng lượng phát thải CO2, tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Giá trị thị trường xây dựng được dự báo sẽ đạt mức 14 tỷ USD vào năm 2021, trong đó gia tăng phân khúc nhà ở mật độ xây dựng cao và nhà cao cấp có mật độ xây dựng thấp. Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, Việt Nam sẽ còn chịu nhiều tổn thất về vấn đề sinh thái nếu không có biện pháp thúc đẩy công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Công trình xanh thâm nhập vào Việt Nam từ năm 2007 nhưng sau 1 thập niên đến nay chỉ có 60 công trình được nhận chứng chỉ xanh bền vững. Đây là một con số quá khiêm tốn so với những tòa nhà mọc như nấm sau mưa tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua. Về vấn đề này, ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Xây dựng cho biết công trình xanh đã lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, thế giới đã có hơn 100.000 công trình xanh với hơn 1 tỷ mét vuông được đánh giá ở mức độ khác nhau, cho thấy chủ đầu tư đã nhận rõ lợi ích của công trình xanh trong chiến lược phát triển quốc gia và toàn cầu.

Tại Việt Nam, dự báo công trình xanh có sự phát triển mạnh mẽ, khả quan trong năm 2018. Ngày càng có nhiều công trình xanh được công nhận ở các nước theo các bộ tiêu chí khác nhau nhưng đều theo nguyên tắc chung: đạt hiệu quả tốt nhất trong lựa chọn địa điểm xây dựng, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động của công trình.

Thông qua hội thảo, nhằm đề cao trách nhiệm của người dân và chủ đầu tư với môi trường, với sự phát triển bền vững hướng tới thụ hưởng cuộc sống xanh. Đồng thời, chương trình cũng kêu gọi sự tham gia của các chủ đầu tư trên cả nước để tổng hợp ý kiến, kiến nghị với Chính phủ và Bộ ngành liên quan đưa ra các tiêu chí và các hình thức hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ đầu tư tham gia phát triển công trình xanh tại Việt Nam./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất