Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 14/1/2009 22:38'(GMT+7)

Khởi động Dự án đường sắt trên cao Yên Viên-Ngọc Hồi

Ngày 14/1, Dự án đường sắt trên cao Yên Viên-Ngọc Hồi (tuyến đường sắt đô thi Hà Nội - tuyến số 1) đã chính thức được khởi động bằng việc Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức lễ mở thầu phần Đề xuất kỹ thuật của Gói thầu dịch vụ Tư vấn kỹ thuật (HURC1) thuộc giai đoạn 1 dự án này.

Gói thầu HURC1 có trị giá gần 700 tỷ đồng với quy mô bao gồm: khảo sát; thiết kế kỹ thuật; giám sát môi trường tự nhiên xã hội; thiết lập hệ thống quản lý vận hành mới. Tại thời điểm đóng thầu chỉ có Liên danh nhà thầu Việt Nam- Nhật Bản nộp hồ sơ dự thầu. Liên danh nhà thầu gồm: Phía Việt Nam là Công ty Tư vấn Đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam; Phía Nhật Bản là Công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản, Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Đường sắt Nhật Bản, Công ty Tư vấn Đường sắt Đông Nhật Bản, Công ty Tư vấn Điện Nhật Bản, Công ty Kiến trúc Koken. Dự kiến kết quả trúng thầu sẽ được công bố trước ngày 31/1/2009.

Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn Yên Viên-Ngọc Hồi có tổng chiều dài 28 km là tuyến ưu tiên số 1 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Dự án được chia ra làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là xây dựng mới đoạn Giáp Bát - Gia Lâm với tổng chiều dài là 15,36km. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 19.460 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA là 13.972 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng. Nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Hiệp định vay vốn đầu tiên cho dự án đã được ký giữa đại diện Chính phủ Việt Nam và JBIC theo điều kiện tín dụng đặc biệt dành cho các đối tác kinh tế (STEP) của Chính phủ Nhật Bản với giá trị là 4,683 tỷ yên tương đương 611 tỷ VND để khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, hỗ trợ đấu thầu và tư vấn thiết lập hệ thống vận hành dự án. Theo các biên bản làm việc với JBIC, sau khi hoàn thành thiết kế kỹ thuật, JBIC sẽ tiếp tục thẩm định và cam kết tiếp để thi công xây lắp theo tiến độ thực hiện và nhu cầu vốn thực tế của dự án. Nguồn vốn đối ứng trong nước được sử dụng cho chi phí GPMB và tái định cư; chi phí quản lý dự án; các chi phí khác và chi phí dự phòng cho phần vốn đối ứng./.

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất