- Thưa Đại biểu, dư luận những ngày gần đây đặc biệt quan tâm về
việc khởi tố ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị
Vinaconex, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Ông có
đánh giá gì về việc này?
Đại biểu Thào Xuân Sùng: Tôi theo dõi vụ việc này từ
đầu và cho rằng việc khởi tố vụ án là đúng. Tuy nhiên, trách nhiệm không
chỉ là một cá nhân mà việc khởi tố cá nhân, với một nguyên Phó Chủ tịch
Ủy ban Nhân dân Hà Nội là về trách nhiệm của người đứng đầu. Sai phạm
trong sự cố đường ống nước sông Đà liên quan tới tổ chức, đơn vị được
giao thực thi nhiệm vụ này.
Như vậy nó không chỉ liên quan tới thực hành cụ thể mà liên quan tới chủ
trương giải pháp có đúng hay không, liên quan tới quyết định. Quyết
định thì không mang tính cá nhân mà bao giờ cũng theo nguyên tắc tập
trung dân chủ là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Chúng ta thấy người dân Thủ đô cần nước, nhưng việc vỡ đường ống nước
sông Đà hàng chục lần mà không khắc phục được thì trách nhiệm này cần
xem xét từ chủ trương tới tổ chức thực hiện chứ không chỉ một mình ông
Bình. Tôi nghĩ rằng khởi tố là cơ hội để cấp ủy, chính quyền xem xét một
cách thấu đáo dự án này và rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc khi triển
khai các dự án liên quan đến quốc kế dân sinh.
Ngoài ra, khởi tố để biết có cố ý hay không, có hành vi phá hoại hay không chứ chưa chắc khởi tố đã là có tội.
- Thời gian qua, chúng ta thường nói về nâng cao trách nhiệm người
đứng đầu và cơ quan chức năng đã xử lý nhiều người đứng đầu dù đã về hưu
hay đương chức. Theo ông, việc này có ý nghĩa thế nào trong thời gian
sắp tới?
Đại biểu Thào Xuân Sùng: Tôi đồng tình với chủ trương
của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là ý kiến
của đồng chí Tổng Bí thư về việc phải làm rõ rách nhiệm của người đứng
đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý. Vì người đứng đầu là người được
chuẩn bị rất đầy đủ về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và những
tố chất cần thiết để chèo lái một tập thể.
Vì vậy, một doanh nghiệp, lãnh đạo để xảy ra sự cố như Vinaconex tức là
thực hiện nhiệm vụ mà nhân dân giao cho anh (để lo cho dân) không đến
nơi đến chốn trong khi đó anh là người được Đảng, Nhà nước và nhân dân
đào tạo rất bài bản và hệ thống.
Như vậy, việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và quy trách nhiệm cho người đứng đầu là hoàn toàn đúng đắn và chuẩn xác.
Bên cạnh đó, ý nghĩa của việc quy định trách nhiệm cho người đứng đầu
trong thời gian tới cũng sẽ thúc đẩy các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung
lãnh đạo các cơ quan nhà nước hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật
và các quy chế, quy trình để thực thi trách nhiệm chức năng nhiệm vụ của
người đứng đầu.
Bản thân người đứng đầu cũng mong muốn như vậy. Họ muốn chức năng, nhiệm
vụ của mình được thể chế, cụ thể hóa để thực thi tốt nhiệm vụ đã được
các cấp có thẩm quyền giao cho mình.
Hiện trường sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
- Xin ông nói rõ hơn về việc này?
Đại biểu Thào Xuân Sùng: Hiện nay, chức năng nhiệm vụ
người đứng đầu thì có nhưng các văn bản quy phạm pháp luật để họ có thể
quyết đoán thì chưa đầy đủ và hoàn thiện nên người nào thực sự có tài
năng, đạo đức thì người đó sẽ quyết đoán. Việc quyết đoán và độc đoán
chỉ cách nhau một sợi chỉ và đó là thách thức của người đứng đầu.
Tôi từng công tác từ địa phương tới Trung ương nên thấy rất rõ người
đứng đầu giỏi phải hội tụ đủ hai yếu tố đạo đức và tài năng. Nếu không
có hai yếu tố này thì sẽ không dám quyết đoán và sinh ra một bộ phận
không nhỏ người đứng đầu thụ động và không làm tốt nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, nếu quyết đoán đến mức… quyết bừa, không có cơ sở lý luận
thực tiễn sẽ là độc đoán, làm tổn thương nhân dân, mất uy tín, thậm chí
là bị kỷ luật.
Do đó thời gian tới đây, khi mà Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các
văn bản để người đứng đầu thực hiện tốt chức năng được giao thì chắc
chắn hiện tượng làm trái, sai phạm trong quản lý kinh tế, nhân sự trong
những năm tới sẽ giảm…
- Xin cảm ơn ông!
Theo TTXVN