Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 21/6/2018 10:14'(GMT+7)

Không có chuyện thông qua Luật Đặc khu để bán đất cho nước ngoài


Tại buổi tiếp xúc, cử tri đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề quy hoạch, ô nhiễm môi trường, đất phân lô bán nền tràn lan. Nhiều ý kiến cử tri nêu những thắc mắc về Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua và dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là dự án Luật Đặc khu). 

Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng ô nhiễm môi trường, phân lô bán nền đất ở Đồng Nai đang tồn tại nhiều bất cập.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã lập đường dây nóng, tiếp nhận những phản hồi, thắc mắc của các tầng lớp nhân dân liên quan đến tất cả các vấn đề trong đời sống xã hội. Lãnh đạo tỉnh khuyến khích người dân khi phát hiện những hạn chế, tồn tại trong điều hành, quản lý của cơ quan công quyền, cần gửi kiến nghị đến ngành chức năng, tỉnh sẽ lập tức xử lý. 

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ một số cơ quan công quyền của tỉnh Đồng Nai còn chậm giải quyết những kiến nghị của người dân. Bởi có những vấn đề người dân đã thắc mắc, đặt câu hỏi tại những lần tiếp xúc cử tri trước, nhưng đến kỳ tiếp xúc này, vấn đề vẫn không được giải quyết. Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị cơ quan chức năng Đồng Nai cần tổ chức đối thoại, xử lý kịp thời những vụ việc còn khúc mắc. 

Với dự án Luật Đặc khu, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết Dự án Luật này được xây dựng dựa trên quy định của Hiến pháp. Mục tiêu của Đảng, Nhà nước khi xây dựng dự án Luật Đặc khu là để thử nghiệm cơ chế, chính sách mới, đặc thù (những điều chưa thể thực hiện rộng rãi trong cả nước); góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo ra một khu vực phát triển mạnh mẽ về kinh tế, mang tính động lực để thúc đẩy các khu vực khác cùng phát triển. 

Trên thế giới, từ rất lâu nhiều nước đã xây dựng đặc khu. Thực tế, có những nước thất bại, có quốc gia thành công. Với Việt Nam, đây là vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ. Hiện các cơ quan Trung ương đã thống nhất lùi thông qua dự án Luật Đặc khu, tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân để hoàn thiện dự án Luật. 

Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định không bao giờ có chuyện Nhà nước thông qua dự án Luật Đặc khu để bán đất cho nước ngoài. Trong dự án Luật Đặc khu có một số quy định chưa đầy đủ đã gây hiểu lầm trong dư luận. Nhiều đối tượng đã dựa vào những điều chưa phù hợp trong dự án Luật, kích động người dân tụ tập, gây rối an ninh trật tự, đập phá tài sản công. Đây là những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng đang điều tra, xử lý nghiêm theo quy định. 

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng là kịp thời, cần thiết. Luật này nhằm điều chỉnh các mối quan hệ trên không gian mạng, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, xử lý các đối tượng có hành vi sai trái. Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến của nhân dân. Mọi người dân đều có quyền bày tỏ chính kiến, thái độ của mình nhưng phải theo quy định pháp luật. Không có chuyện vì Luật An ninh mạng mà một số nhà cung cấp mạng xã hội rút khỏi Việt Nam. 

Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng để xảy ra những sự việc đáng tiệc như thời gian qua là do người dân chưa nắm rõ các luật đang được Quốc hội bàn thảo. Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị, thời gian tới, ngành chức năng Đồng Nai cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân hiểu biết đầy đủ các luật vừa được Quốc hội thông qua 

Chiều 20/6, Đoàn Đại biểu quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang đã tiếp xúc cử tri các cơ quan Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và huyện Cái Bè, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV. 

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang, đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang đã thông tin nội dung, kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV vừa qua. 

Cử tri Tiền Giang đánh giá cao kết quả Kỳ họp vừa qua, đồng thời kiến nghị nhiều vấn đề như: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn rườm rà; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm. Các đơn vị chức năng cần có giải pháp ngăn chặn hàng giả, xử phạt thật nặng hành vi sản xuất thuốc tây giả; tăng cường ngăn chặn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền; tinh gọn bộ máy nhà nước và xử lý nghiêm cán bộ sử dụng bằng giả… 


Cử tri huyện Long Thành (Đồng Nai) phát biểu. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)
Sau khi lãnh đạo địa phương trả lời các ý kiến thuộc thẩm quyền, ông Võ Văn Bình tiếp thu ý kiến sát thực của cử tri, đồng thời cảm ơn cử tri đã đặt lòng tin vào Quốc hội. Thời gian tới, Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chức năng lập pháp, chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị đất nước. 

Từ ngày 19-20/6, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tổ chức tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV tại các huyện Cư M’gar, Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Ana, Krông Pắk và thành phố Buôn Ma Thuột. 

Tại các buổi tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo cử tri về kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV. Nhiều cử tri tỉnh Đắk Lắk bày tỏ quan tâm đến các vấn đề như Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; tình hình mất an ninh trật tự, tụ tập gây rối, đập phá tài sản, chống đối người thi hành công vụ xảy ra vừa qua. Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ lắng nghe ý kiến của nhân dân, các chuyên gia đối với Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và có biện pháp ngăn chặn, xử lý các đối tượng lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để kích động gây rối. 

Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sớm nâng cấp hạ tầng giao thông tại một số tuyến đường thuộc vùng sâu vùng xa; xử lý triệt để các điểm gây ô nhiễm môi trường; giải quyết nhanh chóng các khiếu nại liên quan đến đất đai; ngăn chặn và nghiêm trị các vụ phá rừng; có phương án phát triển sản xuất, tìm kiếm đầu ra bền vững cho nông sản; giải quyết chế độ chính sách cho người có công... 

Cũng tại các buổi tiếp xúc cử tri, đại diện chính quyền các cấp, sở, ban, ngành đã xem xét, giải quyết và trả lời một số ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri và tổng hợp báo cáo với Quốc hội theo quy định. 

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, ngày 20/6, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành tiếp xúc cử tri tại sáu điểm trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh Tuyên Quang. 

Tại các điểm tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã thông báo về những kết quả nổi bật của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV cũng như những hoạt động của các đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang tại Kỳ họp. Cử tri tỉnh Tuyên Quang bày tỏ vui mừng trước những thay đổi trong Kỳ họp này, đặc biệt là việc chất vấn và trả lời chất vấn đã tập trung vào những vấn đề cấp thiết của cuộc sống. 

Cũng tại các điểm tiếp xúc, cử tri tỉnh Tuyên Quang đề nghị, để kinh tế-xã hội đất nước phát triển ngày càng bền vững, giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền của Tổ quốc, Chính phủ quan tâm triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả đối với các dự án lớn, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc, miền núi.

Cử tri Tuyên Quang cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và tỉnh Tuyên Quang quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục quan tâm việc bố trí đất ở và đất sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân trong diện di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang; nâng phụ cấp cho cán bộ thôn, bản... 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã ghi nhận và tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển đến Quốc hội và các cơ quan chức năng xem xét giải quyết./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất