Ngày 10/5, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp dưới sự chủ trì của Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, để thảo luận, cho ý kiến
về: Kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo
theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo đến nay; kế
hoạch kiểm tra chuyên đề năm 2023 của Ban Chỉ đạo; kế hoạch tổ chức Hội
nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
ĐỒNG BỘ, HIỆU QUẢ HƠN
Từ sau Phiên họp thứ 23 (tháng 1/2023) đến nay, công tác phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến mới,
tích cực, đồng bộ, hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp
phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát,
thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tập trung
chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý
nhiều vụ án, vụ việc; xử lý cả các hành vi tham nhũng và các hành vi
tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xử lý
nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực
trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099
vụ/2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242
vụ án/864 bị can về tội tham nhũng (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm
2022).
Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo
đã khởi tố mới 4 vụ án/24 bị can, khởi tố thêm 78 bị can trong 11 vụ án,
kết thúc điều tra 3 vụ án/88 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 8 vụ
án/153 bị can, xét xử sơ thẩm 6 vụ án/51 bị cáo.
Nhất là, đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều
tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực
lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ,
ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, gây bức
xúc trong nhân dân như các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và
các Trung tâm Đăng kiểm một số địa phương; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự,
Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Việt
Á và các đơn vị, địa phương liên quan; các vụ án liên quan đến Công ty
Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; các vụ án, vụ việc liên quan đến Công
ty AIC và các đơn vị liên quan.
Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức
đảng, hơn 3.600 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính
trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 12 tổ chức
đảng, 26 cán bộ cấp Giám đốc Sở và tương đương trở lên, trong đó có 1
nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 3 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân
dân cấp tỉnh, 2 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Các cơ quan chức năng qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã chuyển
137 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử
lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 232
tập thể và 1.146 cá nhân.
Từ đầu năm đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã xử
lý kỷ luật, xử lý hình sự nhiều trường hợp vi phạm trong lực lượng này,
điển hình như khởi tố, điều tra 2 Thiếu tướng đã nghỉ hưu trong lực
lượng vũ trang; 2 cán bộ Tòa án Nhân dân và 1 cán bộ Viện kiểm sát Nhân
dân; 14 cán bộ thanh tra, giám sát của các cơ quan: Thanh tra Chính phủ,
Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc
gia và 12 cán bộ thanh tra các địa phương; xử lý kỷ luật 12 cán bộ là
Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, Trưởng
phòng, Trưởng Công an một số huyện, thành phố của tỉnh An Giang.
Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào hoạt động nền nếp, hiệu
quả; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở có
nhiều chuyển biến rõ rệt, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh.”
Nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Chủ
tịch Ủy ban Nhân dân cấp quận, huyện như Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ninh,
Hà Nam, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu...
Những kết quả đạt được nêu trên tiếp tục khẳng định quyết tâm của
Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được
dư luận xã hội và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Việc ra mắt Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí
thư, Trưởng ban Chỉ đạo (ngày 02/02/2023) được đông đảo cán bộ, đảng
viên và nhân dân rất hoan nghênh, quan tâm, đón nhận và đánh giá cao,
coi đây là cuốn “cẩm nang” về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực.
Việc quán triệt, nghiên cứu, học tập, phổ biến nội dung và những giá
trị cốt lõi của Cuốn sách đã tạo thành một đợt sinh hoạt chính trị tư
tưởng sâu rộng trong cả hệ thống chính trị.
Cuốn sách đã giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, bạn bè
quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng về bản chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
KHÔNG ĐÙN ĐẨY, NÉ TRÁNH
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh
vừa qua các cơ quan chức năng đã phối hợp ngày càng hiệu quả, thống nhất
cao trong hành động, có kết quả thiết thực, nhân dân theo dõi và bày tỏ
đồng tình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo cuộc họp.(Ảnh: TTXVN)
Từ dầu năm đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có số
lượng công việc nhiều. Nhiều vụ án lớn, tồn đọng lâu năm đã tiếp tục
triển khai xử lý. Các vụ việc xử lý nghiêm nhưng thuyết phục, nhân văn,
nhân ái, có tình, có lý, xem xét, cân nhắc nhiều mặt chứ không phải là
“cua cậy càng, cá cậy vây” hay là chỉ nhìn phiến diện, một chiều.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, công tác phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực đã được tiến hành rất bài bản, đúng chức năng, nhiệm vụ,
thận trọng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai, bảo
đảm thực hiện nghiêm những kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực; có những hình thức xử lý mới, vừa thu hồi
tài sản được nhiều hơn, vừa có tác dụng răn đe, ngăn ngừa để không xảy
ra là tốt nhất.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực là cần thiết và đúng. Nhiều nơi đã làm tốt, không ỷ lại cấp trên và
gương mẫu thực hiện, thể hiện sự thống nhất “trên dưới đồng lòng, dọc
ngang thông suốt”; phối hợp ngày càng nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả
hơn, thật sự đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp
ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “kiên quyết, kiên trì,
không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể
người đó là ai,” triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực theo Kết luận Phiên họp thứ 23 của đồng chí
Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và Chương trình công tác năm 2023 của
Ban Chỉ đạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu với tinh thần phát huy những kết
quả đã đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần làm
tích cực hơn nữa, mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả cao hơn nữa, không né
tránh, đùn đẩy, đừng đổ tại khách quan.
Các cơ quan phối hợp làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm toán
chủ động phòng ngừa, không để sơ hở, không để lợi dụng. Công tác tuyên
truyền, giáo dục, giám sát cần tăng cường hơn nữa không để bị lợi dụng,
kích động gây rối, chia rẽ nội bộ; cần chú ý nhiều hơn nữa, phòng, chống
tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối
sống. Vì những tiêu cực ngầm, còn nguy hại hơn nhiều, cần phải chống.
Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay
những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám
làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản
lý các cấp.
Đây chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm
chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy cần tập trung
chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này.
Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo kiểm tra làm rõ trách nhiệm của tập
thể, cá nhân, người đứng đầu trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính
sách, pháp luật có nhiều sơ hở, bất cập để tổ chức, cá nhân lợi dụng
trục lợi; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để cài
cắm “lợi ích nhóm,” “lợi ích cục bộ” trong ban hành chính sách, pháp
luật, gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội.
Thường trực Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra,
truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo
theo dõi, chỉ đạo, nhất là các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn
FLC, Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Cục Đăng
kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm tỉnh, thành phố; khẩn trương
đưa ra xét xử sơ thẩm 05 vụ án trong Quý 2/2023: Vụ án “Vi phạm quy định
về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu
trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án khu thương mại
dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết,
tỉnh Bình Thuận. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản
Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng Công
trình giao thông 1 (Cienco1).
Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng
chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Môi giới hối lộ” xảy ra
tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan. Vụ án “Buôn
lậu; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại khóm 5,
phường Châu Phú An, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Vụ án “Tham ô tài
sản” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam.
Đồng thời, khẩn trương kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ
chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án theo
yêu cầu của Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối
hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố,
xét xử, thi hành án; tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh
vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, dễ phát sinh tham nhũng,
tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội; xử lý nghiêm,
có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt;” chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều
tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án,
vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực; giao địa phương chỉ đạo xử lý và các vụ án, vụ việc thuộc diện
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Cũng tại Cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất thành
lập 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo để kiểm tra chuyên đề việc thể chế
hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
thành pháp luật của Nhà nước tại một số cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc
Trung ương; tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh./.
TTXVN