Trong tháng 12, Bộ TT&TT đề nghị các địa phương chú trọng tuyên
truyền để người dân chủ động chuyển đổi sang thu xem truyền hình số
trước ngày tắt sóng analog; tránh xảy ra hiện tượng người dân đổ xô đi
mua đầu thu sau ngày tắt sóng.
Chỉ còn 30 ngày nữa là đến thời điểm tắt sóng truyền hình
analog ở 8 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bình
Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang. Tính đến thời điểm này, khâu phủ sóng
truyền hình số DVB-T2 đã sẵn sàng, tại các địa phương này người dân đã
có thể thu xem được hàng chục kênh truyền hình số do VTV, VTC, AVG, SDTV
và RTB phát sóng.
Đến thời điểm này, Bộ TT&TT xác định tuyên truyền để làm
sao người dân chủ động chuyển đổi sang thu xem truyền hình số trước
ngày tắt sóng là công việc quan trọng nhất.
Theo kinh nghiệm đã triển khai số hóa truyền hình ở giai
đoạn 1, không phải người dân lúc nào cũng sẵn sàng chuyển đổi. Đà Nẵng
là một ví dụ, trước khi tắt sóng mềm, nhà nước đã tuyên truyền tích cực,
các doanh nghiệp kinh doanh đầu thu cũng đã chuẩn bị khoảng 40.000 đầu
thu vào thị trường Đà Nẵng. Nhưng người dân vẫn thờ ơ với việc mua đầu
thu để chuyển đổi sang xem truyền hình số. Chỉ sau khi nhà nước tắt sóng
một số kênh, thì người dân mới đổ xô đi mua đầu thu, trong vòng 1 tuần
đầu tiên thậm chí thị trường còn “cháy hàng” do lượng người mua quá
nhanh, đến khi nhà nước tắt hoàn toàn thì không có một ai phàn nàn nào
nữa. Tại 4TP lớn cũng diễn ra tình trạng tương tự như vậy, việc bị cháy
đầu thu tức thời sau khi tắt sóng mềm đã diễn ra bởi người dân đổ xô đi
mua đầu thu, mặc dù nhà nước đã tuyên truyền trước đó rất lâu.
Đối với các hộ nghèo, cận nghèo đã có nhà nước lo hỗ trợ đầu
thu, vậy mục tiêu của nhà nước là ngay từ bây giờ phải tuyên truyền làm
sao để người dân chuyển đổi sang thu xem truyền hình số càng sớm càng
tốt.
Theo bà Đỗ Thị Nguyệt Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nam, tỉnh
Hà Nam đã chỉ đạo tuyên truyền ráo riết và quyết liệt trên các kênh
thông tin như báo, đài địa phương, phát tờ rơi tại nhiều điểm. Hà Nam
cũng xác định đối tượng bị ảnh hưởng chính là người dân ở các thôn xóm ở
vùng nông thôn, nên sáng nào đài truyền thanh xã cũng phát thông tin về
thời điểm cắt sóng. Đến giờ có thể khẳng định mọi người dân ở Hà Nam
đều đã biết ngày giờ tắt sóng truyền hình analog ở địa bản tỉnh.
Đại diện Sở TT&TT Bắc Ninh cũng cho hay, tỉnh
Bắc Ninh chi hơn 500 triệu đồng cho tuyên truyền về số hóa truyền hình,
bên cạnh các kênh báo, đài địa phương liên tục phát sóng về thời điểm
tắt sóng và hướng dẫn người dân cách chuyển đổi sang thu xem truyền hình
số. Sở TT&TT Bắc Ninh đã in 50.000 tờ rơi, 1.000 áp phích, 160 băng
rôn để tuyên truyền đến các xã. Người dân ở Bắc Ninh cũng đã chuyển
sang xem truyền hình số ngay từ giai đoạn 1 nên đến giờ đã sẵn sàng cho
tắt sóng truyền hình analog.
Ông Nguyễn Hà Yên, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin
điện tử, tuyên truyền có tầm quan trọng rất lớn quyết định sự thành công
của số hóa truyền hình. Do vậy các tỉnh cần tăng cường tuyên truyền
trọng điểm hơn, đối tượng tuyên truyền phải nhắm tới người dân. Đặc biệt
phải phát huy vai trò của truyền thanh cơ sở, hoạt động thông tin cơ sở
đóng vai trò rất tốt trong truyên truyền cho số hóa truyền hình. Càng
gần thời điểm tắt sóng các đợt nhắn tin tuyên truyền được triển khai.
Ngoài ra các kênh analog sẽ tắt sóng cần liên tục chạy chữ để người dân
nắm được. Trong tháng 12, Bộ TT&TT sẽ có video tuyên truyền trên
sóng các kênh phát thanh, truyền hình lớn trên cả nước và gửi sản phẩm
tuyên truyền đến các đài PT-TH địa phương để tiếp phát.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cũng yêu cầu các tỉnh sắp
tắt sóng truyền hình analog phải coi trọng công tác tuyên truyền tới
người dân trên nhiều kênh thông tin. Nội dung thông tin phải dễ hiểu,
hình thức tuyên truyền phải đơn giản để đồng bào hiểu được dễ hơn. Sắp
tới, Bộ TT&TT sẽ có công văn gửi UBND 8 tỉnh sẽ tắt sóng để lãnh đạo
quan tâm hơn, hỗ trợ,chỉ đạo các đài PT-TH làm tốt nhiệm vụ số hóa
truyền hình./.
Theo ICTnews