Nếu Phố Sách là điểm bắt đầu của không gian sáng tạo thì bức tường đá dẫn lên cầu Long Biên với 131 vòm cầu có không gian đủ lớn để thể nghiệm những ý tưởng mới mẻ. Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội dự kiến chỉnh trang khu vực này thành nơi phát triển các hoạt động dịch vụ văn hóa, thương mại, tạo thêm không gian công cộng cho người dân Thủ đô và thu hút khách du lịch.
Ý nghĩa lịch sử
Quá trình biến đổi, phát triển đã tác động rất lớn, làm thay đổi chức năng của đô thị, không gian cảnh quan, giá trị di sản đặc trưng của Hà Nội. Trong đó, chịu tác động và ảnh hưởng rõ nét nhất chính là không gian công cộng. Thời gian qua, nhiều phố nghề truyền thống ở khu phố cổ đã được chỉnh trang, bảo tồn thành công, góp phần thay đổi diện mạo Thủ đô, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ. Tiếp nối thành công đó, tháng 9 vừa qua, TP Hà Nội đã làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải về ý tưởng đục thông, khôi phục hơn 100 vòm cầu đoạn từ phố Phùng Hưng đến ga Long Biên, nhằm tạo thêm không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân thành phố và thu hút khách du lịch.
Đường dẫn lên cầu Long Biên với 131 vòm cầu đá, là ranh giới không gian khu phố cổ với khu phố xây theo kiểu châu Âu. Bức tường đá vững chắc có lan can sắt rèn thủ công tinh tế là minh chứng tài năng của thế hệ những người thợ Việt Nam đầu tiên tiếp xúc với công nghệ xây dựng hiện đại. Theo tài liệu lịch sử, tuyến đường dẫn được xây dựng trên chính hệ thống hào nước của thành Thăng Long xưa. Đây là không gian giao thoa và chuyển tiếp từ khu vực Hoàng thành sang phố thị.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết, 131 vòm cầu đá dưới cầu dẫn lên cầu Long Biên là bộ phận quan trọng, gắn liền với cây cầu lịch sử đã được xác định là di sản của Thủ đô. Khác với nhiều di sản khác, khu vực cầu Long Biên là một di sản đang sống và vận hành cùng với hoạt động của người dân Hà Nội. UBND quận Hoàn Kiếm đang triển khai nghiên cứu đề án phát huy giá trị di sản vòm cầu đá thuộc đường dẫn lên cầu Long Biên. Không gian này là một trong những thành phần chức năng thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa cũng như sinh hoạt cộng đồng và tương tác xã hội.
Liên kết nhiều chức năng
Khi đề cập đến phát triển không gian công cộng cho thành phố Hà Nội, mọi người đều cho rằng UBND quận Hoàn Kiếm sẽ gặp khó khăn vì địa thế “đất chật người đông”. Nhưng khi quận tổ chức thành công tuyến phố đi bộ cuối tuần tại khu phố cổ hay quanh hồ Hoàn Kiếm, đã tạo nguồn cảm hứng cho tất cả các quận, huyện trong thành phố, các thành phố trong cả nước về khả năng chuyển đổi không gian đô thị để thêm nhiều cơ hội chia sẻ những chức năng sử dụng khác nhau.
Mới đây Khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã tổ chức workshop Tái thiết không gian bị chuyển đổi trong đô thị với địa điểm thiết kế là tuyến phố Phùng Hưng - nơi sở hữu phần lớn cầu vòm đá thuộc đường dẫn lên cầu Long Biên. “Phố Phùng Hưng đã chứng kiến những đổi thay của Hà Nội gần 150 năm (1880 - 2017), từ bãi đất trống bên con hào nước ngoài thành Hà Nội trở thành con phố có nhiều ngôi nhà đẹp cho các thương gia Hoa Kiều và Ấn Độ thuê làm nhà ở và đại lý hàng hóa. Là khu phố ranh giới khu thị dân truyền thống với khu quân sự, phố Phùng Hưng chứng kiến những xáo trộn của lịch sử chiến tranh và hòa bình” - KTS Trần Huy Ánh phân tích.
Theo KTS Trần Huy Ánh, phố Phùng Hưng vốn sôi nổi, kiêu hãnh và đóng góp tích cực trong cuộc sống đô thị. Đây là nơi đi qua của tuyến đường sắt quan trọng với cả nền kinh tế thời bình cũng như đường tiếp vận trong chiến tranh nhưng trở nên hưu hắt khi vận tải đường sắt cạnh tranh bất lợi với đường bộ. Trước đây, gầm cầu đoạn đường Phùng Hưng dẫn lên cầu Long Biên là các vòm trống. Lũ lụt, thiên tai, người vô gia cư từ ngoài đê tràn vào đây sinh sống, nảy sinh tệ nạn xã hội, buộc chính quyền thành phố phải xây kín lại. Qua nhiều năm không được quan tâm, vỉa hè rộng dưới chân bức tường đá trở thành nơi bán hàng tự phát, bãi để ô tô và tập kết vật liệu xây dựng… nên cảnh quan xuống cấp và mất vệ sinh.
Từ đầu năm 2017, Quỹ Văn hóa Hàn Quốc, Chương trình Định cư con người của Liên Hợp Quốc (UN Habitat) và quận Hoàn Kiếm đã khảo sát để thực hiện đưa mỹ thuật vào phố Phùng Hưng, nhằm thúc đẩy các hoạt động cộng đồng và giao lưu văn hóa giữa thanh niên, nghệ sĩ. Điều đó cho thấy, tuyến phố này có nhiều tiềm năng để tổ chức các dự án nghệ thuật cộng đồng. Từ góc nhìn của một kiến trúc sư cảnh quan, KTS Italy Cristian Carenini cho rằng: “Phố Phùng Hưng có những vòm cầu đã trở thành biểu tượng của con phố, cùng với những biểu tượng liên quan xung quanh tạo nên vẻ đẹp của Hà Nội. Nhiều thành phố thế giới cũng có vòm cầu với không gian và sự liên kết chức năng khác nhau, như Paris, London, Vienna, Sydney, Edinburgh… Tương tự như vậy, khu vực đường dẫn lên cầu Long Biên của Việt Nam có thể dùng ngôn ngữ cảnh quan để biến những vòm cầu thành địa điểm ý nghĩa”.
Phát triển không gian công cộng Hà Nội với giá trị lịch sử đậm nét cần có định hướng chặt chẽ, bài bản, trên cơ sở thực tiễn và nhân văn, với giải pháp ứng xử linh hoạt, để đạt được mục tiêu cuối cùng là làm cho cuộc sống đô thị trở nên hạnh phúc, đáng sống hơn.
Hồng Nhung (Báo ĐBND)