(TG)-Năm 2021, dự báo tình hình thế giới vẫn có nhiều diễn biến khó lường, tuy nhiên, ngành Công Thương vẫn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 4-5% so với năm 2020, tiếp tục duy trì đà xuất siêu.
Không ít khó khăn, thách thức
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, vượt qua những khó khăn, thách thức, năm 2020 Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD với khoảng 543,9 tỷ USD.
Năm 2020, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD. Mức thặng dư năm 2020 cao hơn mức thặng dư năm 2019 (10,87 tỷ USD), cao hơn mức thặng dư năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so với mức thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với mức thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD).
Mặc dù kết quả xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất siêu năm 2020 đạt được kết quả đầy ấn tượng, song Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra còn không ít tồn tại, khó khăn. Điển hình như, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm do gặp khó khăn về thị trường và giá bán và mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao. Cùng với đó, mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao, xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.
“Với nông sản, Việt Nam đã làm tốt công tác đàm phán để nước nhập khẩu cắt giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (thông qua các Hiệp định FTA). Tuy nhiên, việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng một số nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Cùng với đó là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn do nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới thay vì áp dụng các hàng rào kỹ thuật như áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại... đòi hỏi cần có sự khẩn trương nghiên cứu, thay đổi trong cách tiếp cận để kịp thời điều chỉnh, ứng phó.
Việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do đã mang lại nhiều thuận lợi trong cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh, hoạt động thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa có sự cải thiện rõ rệt để tận dụng tối đa lợi ích mang lại.
Đặc biệt, đáng lo ngại khi xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặc dù tỷ trọng giá trị xuất khẩu của khối FDI đã giảm trong thời gian qua nhưng vẫn chiếm trên 64% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh.
Duy trì xuất siêu trong 2021
Năm 2021, bối cảnh thế giới đang có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đặc biệt là xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn và dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới có khả năng kéo dài sang các năm tiếp theo, nhất là đối với tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu.
Mặc dù có nhiều thách thức nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8% so với năm 2020; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5% so với năm 2020; cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, giải pháp mấu chốt được triển khai nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu năm 2021 điển hình là ưu tiên các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch. Đồng thời, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Bộ Công Thương cũng sẽ nắm bắt thông tin thị trường và cảnh báo sớm các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán...
Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, thời gian tới quá trình hội nhập, thực thi các FTA phải quyết liệt hiệu quả hơn, không phải là “đầu voi đuôi chuột” mà là “đầu voi đuôi khủng long”. Cộng đồng doanh nghiệp cũng rất mong muốn Bộ Công Thương thể hiện vai trò nhạc trưởng trong quá trình thực thi FTA.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, năm 2021, trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các FTA khác, kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phục hồi, khởi sắc hơn và xuất khẩu chắc chắn cũng tăng mạnh cùng đà tăng trưởng kinh tế và hiệu quả kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, thế giới. Ðiều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, có tới 81% số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được hỏi đã đánh giá sản xuất, kinh doanh quý I-2021 so với quý IV-2020 sẽ ổn định hoặc tốt lên.
Ðể tận dụng tốt những cơ hội, Viêt Nam cần tiếp tục nhanh chóng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cả về tài chính, tiền tệ và thông tin thị trường; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành hàng, sản phẩm và doanh nghiệp; nâng cao năng lực đổi mới công nghệ và cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Cùng với đó, việc xúc tiến xuất khẩu cần tập trung ở các nhóm ngành hàng chủ lực, có tiềm năng phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và tăng cường xuất khẩu hàng qua hệ thống mạng lưới phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài; chủ động nghiên cứu thị trường và đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật khắt khe nhất./.
TG